📞

Đức chưa 'thoát' khí đốt Nga bởi hai nhân tố này

Việt An 17:10 | 11/03/2024
Trang High North News đưa tin, các nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai và thứ ba của Đức là Hà Lan và Bỉ đã nhập khẩu một lượng đáng kể khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ dự án Yamal LNG của Nga. Lượng LNG này sau đó đến Đức qua đường ống dẫn khí xuyên biên giới.
Khoảng 4-6% nguồn cung cấp khí đốt của Đức tiếp tục bắt nguồn từ Nga. (Nguồn: iStock)

Cụ thể, Hà Lan cung cấp 26% còn Bỉ cung cấp 22% nhu cầu khí đốt của Đức.

Một nghiên cứu mới của tổ chức phi lợi nhuận môi trường Đức Urgewald cùng với tổ chức phi lợi nhuận Bỉ Bond Peter Leefmilieu kết luận, năm 2022, có tới 11% lượng khí đốt giao từ Brussels có nguồn gốc từ LNG của Moscow.

Thị phần có thể còn cao hơn trong năm 2023 do Bỉ mở rộng nhập khẩu LNG từ dự án Yamal. Khoảng 1/3 toàn bộ sản lượng của Yamal đi qua nhà ga LNG Zeebrugge ở Bỉ.

Ông Moritz Leiner phụ trách năng lượng tại Urgewald khuyến cáo, chính quyền Berlin phải chặn các đường dẫn khí đốt của Nga vào Đức. Theo ông, nền kinh tế lớn nhất châu Âu phải ủng hộ lệnh tạm nhập tái xuất khí đốt Moscow.

Tổ chức Urgewald cho biết, con đường LNG của Nga đến Hà Lan thậm chí còn khó theo dõi hơn.

Tuy nhiên, thông lệ của các thương nhân toàn cầu là nhập khẩu LNG của Nga và sau đó tái xuất dưới dạng sản phẩm “chung”, bao gồm cả các nước trong Liên minh châu Âu.

Trước đây, Trung Quốc đã nhận LNG từ Bắc Cực của Nga để bán cho người mua ở châu Âu.

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ cơ quan mạng lưới khí đốt liên bang Đức và Kpler - công ty dữ liệu hàng hóa và năng lượng toàn cầu.

Dữ liệu mới từ nghiên cứu nói trên đi ngược lại với việc Đức tái định hướng hoàn toàn khỏi nguồn cung khí đốt Nga kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hiện tại, khoảng 4-6% nguồn cung cấp khí đốt của Berlin tiếp tục bắt nguồn từ Moscow.