Ngoại trưởng Đức Heiko Maas muốn đưa người di cư đang mắc kẹt ở Belarus hồi hương. (Nguồn: DW) |
Ngày 15/11, phát biểu tại Brussels (Bỉ) sau khi tham vấn với những người đồng cấp ở Liên minh châu Âu (EU), Ngoại trưởng Maas bày tỏ phản đối việc tiếp nhận về Đức những người di cư đang mắc kẹt ở Belarus.
Lưu ý tình tiết rằng, khác với những người muốn tị nạn chính trị, vốn phải đi bằng những con đường khác, những người tới Belarus đều bằng đi máy bay, ông Mass nhấn mạnh: "Tôi sẽ vận động để những người di cư đang ở Belarus phải được đưa trở lại quốc gia xuất xứ của họ".
Theo nhà ngoại giao Đức, điều quan trọng là phải cho thấy điều đó không được phép xảy ra, và rằng mọi người không nên để mình biến thành công cụ chính sách của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ông Lukashenko luôn bị EU cáo buộc lợi dụng người di cư làm công cụ chính trị, nhưng ông đã lên bác bỏ cáo buộc này.
Ngoại trưởng Maas cũng cho biết, cần phải có chiến dịch nâng cao nhận thức tại các nước khởi nguồn của người di cư, đồng thời bày tỏ thận trọng trước các thông tin cho rằng, Tổng thống Lukashenko được cho đã thể hiện thiện chí trong cuộc tranh cãi về vấn đề người di cư.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Đức nhấn mạnh: "Chúng tôi không nhận thấy bất kỳ sự giảm bớt căng thẳng nào tại thực địa mà tình hình ngày càng tồi tệ và xấu hơn", khẳng định châu Âu mong muốn có sự nhượng bộ ở Minsk.
Theo tờ Spiegel, EU cáo buộc Tổng thống Lukashenko cố tình đưa người di cư tới nước này để sau đó đưa họ tới biên giới Ba Lan, Lithuania và Latvia để tiếp tục sang các nước EU. Châu Âu nghi ngờ ông Lukashenko muốn đáp trả các lệnh trừng phạt mà EU đã áp đặt đối với Minsk.
Kể từ khi Ba Lan, Latvia và Lithuania phong tỏa đường biên giới bên ngoài EU, tình hình khu vực biên giới trở nên vô cùng căng thẳng, đặc biệt ở biên giới Ba Lan, khi hàng nghìn người từ các quốc gia như Syria hay Iraq đang chờ cơ hội vượt biên trái phép vào EU.
Trong điều kiện nhiệt độ xuống thấp, hàng nghìn người di cư đã chờ đợi nhiều ngày ở phía biên giới Belarus trong các trại tạm trong rừng.
Cùng ngày, theo trang mạng truyền thông xã hội của các phóng viên nhà nước Belarus, Tổng thống Lukashenko và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tiến hành một cuộc điện đàm song không có thông tin chi tiết nào được cung cấp.
Cuộc điện đàm là liên lạc đầu tiên giữa Tổng thống Belarus với một nhà lãnh đạo phương Tây kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Belarus diễn ra hồi tháng 8/2020 mà các nước phương Tây cáo buộc có gian lận.