📞

Đức được duyệt kinh phí xây nhà ga LNG trên bờ đầu tiên, Czech 'đổ đầy' kho dự trữ mà không cần khí đốt từ Nga

Việt An 16:00 | 28/07/2023
Ngày 27/7, Liên minh châu Âu (EU) đã “bật đèn xanh” cho phép Đức cung cấp 40 triệu Euro để xây dựng nhà ga khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trên bờ đầu tiên, nhằm tăng cường an ninh năng lượng. Cơ sở này dự kiến hoạt động đến năm 2044.
Dự án nhà ga LNG trên bờ đầu tiên của Đức được EU phê duyệt. (Nguồn: istock)

Khi Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Đức, quốc gia Tây Âu này đã bị thiếu hụt 50 tỷ m³ LNG.

Phản ứng một cách nhanh chóng, Berlin đã thực hiện các kế hoạch vận chuyển LNG để bù đắp nguồn cung bị thiếu hụt. Hoạt động tái chế khí siêu lạnh đòi hỏi cơ sở hạ tầng đặc biệt và kế hoạch xây dựng một cơ sở lâu dài bên bờ biển của Đức đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn.

Nhà ga ở Brunsbüttel được công bố lần đầu tiên hai tuần sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022.

Quan chức phụ trách chương trình viện trợ của EU Margrethe Vestager khẳng định: “Nhà ga LNG mới ở Brunsbüttel sẽ cải thiện cơ sở hạ tầng và nguồn cung cấp khí đốt ở Đức”.

Để khuyến khích công ty Gasunie của Hà Lan và RWE của Đức tham gia xây dựng nhà ga, cả hai sẽ nhận được 40 triệu Euro thông qua biện pháp thiết lập cổ tức đặc biệt.

Nhà ga mới dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2026-2027, có thể tiếp nhận 10 tỷ m3 LNG mỗi năm, thay thế khoảng 1/5 khối lượng khí đốt từng nhập khẩu từ Nga.

Dự án xây dựng dự kiến tiêu tốn khoảng 1,3 tỷ Euro. Khoảng 50% cổ phần được nắm giữ bởi Ngân hàng tái thiết Đức (KfW), 40% của Gasunie và 10% của RWE.

Khi nhà ga đi vào hoạt động, cơ sở này sẽ thay thế nhà ga LNG nổi hiện có ở Brunsbüttel và công suất tái hóa khí lên tới 7,5 tỷ m3. Khi hoàn thành mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2045, chính phủ Đức hy vọng nhà ga sẽ có “tương lai xanh”, thay vì bị bỏ hoang chỉ sau 15 năm sử dụng.

* Trước đó, ngày 24/7 báo Novinky (Czech) đưa tin, các kho chứa khí đốt của Czech đã đầy 90% cho mùa sưởi ấm sắp tới, trong khi không nhập một m³ nào từ Nga.

Novinky nêu rõ việc quá trình tích đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt của Czech là nhờ được cung cấp LNG thường xuyên từ nhà máy Emshaven của Hà Lan. Tập đoàn năng lượng ČEZ của Séc cho biết, trong nửa đầu năm nay, trạm ở đó đã xử lý 12 tàu chở LNG đến quốc gia Trung Âu này.

Theo dữ liệu từ cơ quan Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE AGSI), các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất của Czech đã đầy 89,9% tính đến ngày 22/7.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Czech Josef Sikela nhấn mạnh: “Các bể chứa khí đốt ở Czech hiện đã đầy hơn 89%, mặc dù thực tế là chúng tôi hiện không nhận được khí đốt từ Nga”.

(theo Reuters)