📞

Đức muốn mở lại Đại sứ quán ở Afghanistan nhưng 'chẳng có cách nào đàm phán với Taliban'

Bảo Hà 07:38 | 01/09/2021
Đức đang nỗ lực mở lại cơ quan đại diện ngoại giao của nước này ở thủ đô Kabul của Afghanistan trong những điều kiện nhất định dù lực lượng Hồi giáo Taliban lên nắm quyền ở quốc gia Nam Á này.
Ngoại trưởng Đức Heiko Mass nhấn mạnh, việc mở lại Đại sứ quán Đức ở Afghanistan sẽ phụ thuộc vào chính sách cụ thể của Taliban và vào tình hình an ninh thực địa. (Nguồn: DPA)

Ngày 31/8, phát biểu khi ở thăm Qatar, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nêu rõ: "Nếu tình hình chính trị và điều kiện an ninh cho phép, Đức vẫn muốn mở lại Đại sứ quán của mình ở Kabul". Hiện Đức đang liên lạc chặt chẽ trước hết với các đối tác ở châu Âu về vấn đề này.

Ngoại trưởng Maas nhấn mạnh, hiện rất cần sự hiện diện ngoại giao ở Kabul, bởi Đức đang có nhiều vấn đề cần giải quyết ở Afghanistan, trong đó có nỗ lực đưa những nhân viên từng làm việc cho quân đội liên bang Đức cũng như chính phủ Đức ra khỏi quốc gia Nam Á này.

Nhà ngoại giao Đức nhấn mạnh, việc mở lại Đại sứ quán Đức ở Kabul sẽ phụ thuộc vào chính sách cụ thể của Taliban và vào tình hình an ninh thực địa.

Sau khi Taliban lên nắm quyền, chính phủ Đức đã đóng cửa đại sứ quán ở Kabul và đưa tất cả nhân viên ngoại giao rời khỏi Afghanistan. Hiện nhà ngoại giao Đức Markus Potzel đang đàm phán với Taliban ở thủ đô Doha của Qatar về việc đưa những người cần được bảo vệ ra khỏi Afghsnitan.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức cũng thừa nhận, ông thấy hoàn toàn không có cách nào để đàm phán với Taliban.

Mặc dù vậy, tư lệnh ngành ngoại giao Đức vẫn bày tỏ lạc quan về việc có thể đạt giải pháp cho những người Đức còn mắc kẹt tại Afghanistan cũng như nhân viên bản địa từng hỗ trợ Đức rời khỏi nước này. Hiện tại, còn khoảng 300 người Đức ở Afghanistan.

Theo ông Maas, Taliban đã đồng ý để các trường hợp này rời khỏi đất nước và họ cũng mong muốn có sự hỗ trợ quốc tế, chẳng hạn như việc vận hành sân bay Kabul.

Khẳng định các nước phương Tây sẽ không để bị đe dọa, Ngoại trưởng Đức cho hay, yêu cầu rõ ràng của phương Tây là cần phải đảm bảo nhân quyền, mọi người có thể tiếp tục di tản và không có nhóm khủng bố nào được cho trú ẩn ở Afghanistan.

(theo AFP)