Đối tác quan trọng trong G20
Tại cuộc hội đàm ở thành phố nghỉ dưỡng Sochi, bên bờ biển Đen, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận các vấn đề quan trọng như cuộc chiến chống khủng bố, tình hình Trung Đông, nội chiến Syria, tình hình chính trị tại Libya, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và việc thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine.
Trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế, hai nhà lãnh đạo Đức và Nga đã nhất trí mở rộng hợp tác trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Về cuộc nội chiến tại Syria, Tổng thống Nga Putin kêu gọi tiến hành điều tra kỹ lưỡng, tỉ mỉ và khách quan vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học xảy ra tại thành phố Khan Shaykhun, tỉnh Idlib của Syria. Tổng thống Putin nhấn mạnh: "Chúng tôi kịch liệt lên án bất cứ hành vi sử dụng vũ khí hóa học nào. Cần phải tìm ra và trừng trị những kẻ có lỗi trong vụ tấn công vũ khí hóa học ở thành phố Khan Shaykhun khiến nhiều người dân Syria thiệt mạng".
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Sochi ngày 2/5. (Nguồn: Sputnik) |
Hai bên tán thành việc đẩy mạnh tiến trình đàm phán trong khuôn khổ Astana và Geneva, đồng thời nhấn mạnh cuộc xung đột tại Syria chỉ có thể được giải quyết bằng con đường hòa bình và dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc (LHQ). Người đứng đầu nước Nga cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Mỹ, cho rằng không có sự tham gia của Washington thì không thể giải quyết hiệu quả cuộc khủng hoảng Syria. Do đó, Nga đang và sẽ tiếp tục tiếp xúc với các đối tác Mỹ nhằm giải quyết cuộc nội chiến đã kéo dài 6 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.
Về vấn đề Ukraine, Tổng thống Nga Putin cho rằng tình hình tại đây đang gây quan ngại nghiêm trọng, đồng thời cho biết cá nhân ông thường xuyên liên lạc với bà Merkel để thảo luận vấn đề quốc gia láng giềng này. Nhà lãnh đạo Nga cho biết thêm, hoạt động trong khuôn khổ Bộ tứ Normandy sẽ được tiếp tục và Moscow ủng hộ thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận Minsk-2. Về phần mình, Thủ tướng Đức Merkel cho rằng Nga là đối tác xây dựng và bày tỏ hy vọng các biện pháp trừng phạt Nga sẽ được dỡ bỏ sau khi Thỏa thuận Minsk-2 được thực hiện thành công.
Trong cuộc gặp Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Đức Merkel đã gọi Nga là đối tác quan trọng trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Người đứng đầu Chính phủ Đức nhấn mạnh: "Tất nhiên, chúng tôi sẽ thảo luận tình hình trong G20, nơi Nga là một đối tác quan trọng". Đức đang giữ chức Chủ tịch luân phiên G20. Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra tại Hamburg, Đức vào đầu tháng 7 tới.
Về phần mình, người đứng đầu nước Nga cũng tuyên bố Moscow sẵn sàng dành cho Berlin những hỗ trợ cần thiết khi Đức đang giữ cương vị Chủ tịch G20. Ông Putin cũng cho rằng sự hợp tác giữa Nga và Đức có đóng góp lớn trong việc ổn định nền kinh tế thế giới, vấn đề sẽ được thảo luận tại G20 và trong khuôn khổ nhóm này.
Cơ hội hàn gắn quan hệ
Chuyến thăm Nga lần đầu tiên sau hai năm của Thủ tướng Đức Merkel được xem là dấu hiệu cho thấy đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Đức đã được nối lại sau những căng thẳng kéo dài liên quan đến vấn đề Ukraine.
Trước đó, Đức đã ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) chống lại Nga với cáo buộc Moscow có liên quan đến cuộc nội chiến tại quốc gia láng giềng Ukraine cũng như kể từ sau khi bán đảo Crimea sáp nhập trở lại vào Nga hồi tháng 3/2014, và Nga đã bác bỏ mọi cáo buộc và đáp trả bằng một lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ phương Tây.
Quan hệ Nga - EU trở nên căng thẳng từ khi bán đảo Crimea sáp nhập trở lại vào Nga tháng 3/2014. (Nguồn: The Excavator) |
Tuy nhiên, thực tế cho thấy khi mối quan hệ giữa Nga và EU rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Đức vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc hạ nhiệt mối quan hệ giữa Nga và EU. Thủ tướng Đức Angela Merkel từng bày tỏ: “Tôi muốn là người đầu tiên dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Chúng tôi đang nỗ lực từng ngày để thực hiện điều đó”.
Các nhà phân tích cho rằng, những động thái của Đức xuất phát từ nguyên nhân sâu xa là lợi ích quốc gia của nền kinh tế số một châu Âu nếu duy trì quan hệ tốt đẹp với Nga. Bởi Đức là đối tác quan trọng của Nga trong lĩnh vực năng lượng từ nhiều năm qua, mà nổi bật là dự án Dòng chảy Phương Bắc, bao gồm 2 nhánh ống dẫn cung cấp 55 tỷ m3 khí đốt cho Đức và châu Âu hàng năm.
Chuyến thăm của Thủ tướng Đức tới Nga cũng được kỳ vọng sẽ khôi phục lại quan hệ kinh tế giữa Đức và Nga, bởi quan hệ thương mại giữa hai nước đã sụt giảm nghiêm trọng. Năm 2015, lần đầu tiên trong những năm qua, sản lượng thương mại Nga- Đức đã giảm 6,5% xuống còn 70,1 tỉ USD so với năm 2014 và năm 2016. Hợp tác thương mại giữa Đức và Nga đã giảm 13,7%, trong khi xuất khẩu của Đức tới Nga cũng giảm mạnh.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) Vladimir Dzhabarov cho rằng chuyến thăm Nga của Thủ tướng Đức Merkel cũng là một phần chiến dịch tranh cử của nhà lãnh đạo này. Theo ông Dzhabarov, "bà Merkel đang tính toán chiến dịch tranh cử của mình và muốn chứng tỏ rằng có cơ hội khôi phục hợp tác với Nga, trong đó có lĩnh vực chống khủng bố. Bà Merkel hiểu rằng chính sách đối đầu với Nga sẽ không ghi được điểm, và việc hù dọa cử tri phương Tây về 'mối đe dọa Nga' không còn phát huy tác dụng nữa".
Giới quan sát bình luận, chuyến thăm Nga của Thủ tướng Đức lần này dù chưa đạt được đột phá lớn trong việc hóa giải mâu thuẫn sâu sắc giữa Nga và Đức cũng như giữa Nga với EU, song được coi là cơ hội để hàn gắn quan hệ giữa hai bên.