📞

​Đức phản đối đề xuất tăng lượng cắt giảm khí thải mới của EU

10:45 | 27/08/2018
Ngày 26/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bác đề xuất mới khắt khe hơn của Liên minh châu Âu (EU) về việc nâng lượng cắt giảm khí thải CO2, cho rằng các nước châu ÂU cần tập trung để có thể đạt được mục tiêu hiện có. 

Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh ARD, Thủ tướng Đức thừa nhận rằng thế giới, trong đó có các nước châu Âu, đang chứng kiến sự gia tăng mạnh của các hiện tượng thời tiết cực đoan và điều này càng cho thấy sự nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Tuy nhiên, bà Merkel tuyên bố không ủng hộ những đề xuất tham vọng, mà gần đây nhất là của Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề biến đổi khí hậu Miguel Arias Canete, về việc tăng lượng cắt giảm khí thải CO2 từ 40% lên 45% đến năm 2030.

Theo bà, chính sách này sẽ phản tác dụng khi nhiều nước châu Âu vẫn còn gặp khó khăn trong việc thực thi mức cắt giảm hiện tại. Thủ tướng Merkel cho rằng việc các nước cần làm hiện nay chính là theo sát và thực thi mục tiêu đã đề ra. 

 Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: AP)

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh chính phủ của Thủ tướng Merkel đang vấp phải làn sóng chỉ trích sau khi Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà và đảng Dân chủ Xã hội (SPA) hồi đầu năm đã nhất trí bỏ mục tiêu từ nay đến năm 2020 giảm 40% lượng khí thải CO2 so với mức của năm 1990, vì cho rằng mục tiêu này là khó có thể thực hiện được. Thay vào đó, giới quan chức của các đảng đã thống nhất sẽ đạt được mục tiêu giảm 40% khí thải vào đầu thập kỷ thứ 3 của thế kỷ 21. 

Thế giới đang trải qua một năm 2018 nắng nóng bất thường, từ châu Mỹ, châu Á tới châu Âu, ngay cả những khu vực từng có khí hậu ôn hòa, nắng nóng kỷ lục và kéo dài suốt nhiều tuần đang làm đảo lộn cuộc sống của mọi người dân, ảnh hưởng tới sản xuất, đe dọa nền kinh tế, an ninh...

Theo đánh giá của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), xét trên quy mô toàn cầu, tháng 6 vừa qua là tháng nóng thứ hai trong lịch sử, và mức nhiệt chỉ tính trong 7 tháng đầu năm nay đã khiến 2018 trở thành năm nóng nhất từ trước tới nay.

WMO cũng khẳng định các đợt nắng nóng cực đoan với cường độ và tần suất nóng ngày càng tăng là hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu, mà chính con người, với những hoạt động sản xuất công nghiệp và sinh hoạt hằng ngày, góp phần gây ra.

Các số liệu trong Báo cáo khí hậu hằng năm của Mỹ do Hội Khí tượng cùng Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia nước này công bố ngày 1/8 cho thấy trong năm 2017, ba loại khí thải hàng đầu gây biến đổi khí hậu gồm carbon dioxide (CO2), metan và nitrous oxide (NO2) đều tăng kỷ lục. Riêng lượng khí thải CO2 toàn cầu đã tăng gần gấp 4 lần so với đầu những năm 60 của thế kỷ trước.

(theo AP)