Bộ trưởng Quốc phòng Đức Karl-Theodor zu Guttenberg (phải) thăm một nơi đóng quân của binh lính Đức tại Kunduz, bắc Afghanistan, hôm 29/8/2010. |
Bộ trưởng Karl-Theodor zu Guttenberg đã đệ trình lên Quốc hội Đức đề xuất cắt giảm biên chế lực lượng quân đội của nước này từ 250.000 quân hiện nay xuống còn khoảng 160.000 quân. Ngoài ra, ông Guttenberg cũng muốn chấm dứt chế độ quân dịch, trong đó bắt buộc người dân Đức phải tham gia nghĩa vụ quân sự hoặc dân sự sau khi tốt nghiệp trung học.
Giải thích về vấn đề này, Ông Guttenberg cho hay đề xuất của ông sẽ giúp tinh giản quân đội Đức đồng thời cũng làm cho đạo quân này hoạt động hiệu quả hơn ở nước ngoài. Bên cạnh đó, thay vì thực thi chế độ quân dịch, các hoạt động dịch vụ quân sự hấp dẫn sẽ được triển khai nhằm thu hút người dân gia nhập quân đội một cách tự nguyện. Kế hoạch trên được đưa ra trong lúc Berlin đang tìm cách cắt giảm chi tiêu, nhưng bên cạnh đó, nó cũng đến đúng vào lúc người dân Đức đang bất mãn đối với cuộc chiến tại Afghannistan.
Carlo Masala, giáo viên dạy môn Khoa học chính trị tại Đại học Quân sự Đức ở Munich, cho hay dự thảo đề xuất đặt ra câu hỏi liệu quân đội Đức sẽ thực hiện nhiệm vụ gì? "Vấn đề Afghanistan đang gây ra nhiều tranh cãi tại Đức. Vậy nên một bộ phận quân đội Đức dự kiến sẽ bị rút về nhằm ổn định dư luận."
Đức hiện duy trì hơn 5.000 quân tại miền Bắc Afghanistan, lực lượng lớn thứ ba trong số quân đội các nước NATO đóng tại quốc gia này, sau Mỹ và Anh. Chế độ quân dịch hiện tại của Đức không cho phép nước này đưa lính quân dịch ra nước ngoài. Nhưng giáo sư Masala nhấn mạnh rằng việc kết thúc chế độ quân dịch là một phần trong quá trình chuyển đổi mang tính lịch sử vai trò của quân đội Đức trên thế giới.
"Chế độ quân dịch là một ý tưởng sáng suốt đối với một quốc gia vốn đã từng châm ngòi cho Đại chiến Thế giới thứ hai. Với chế độ này, người ta sẽ đảm bảo được rằng quân đội sẽ không trở thành một dạng nhà nước trong nhà nước.", giáo sư Masala bình luận.
Với thực tế là một số chính đảng tại Đức ủng hộ mạnh mẽ chế độ quân dịch, đề xuất của ông Guttenberg sẽ không đề nghị rút chế độ cưỡng bách quân dịch trong Hiến pháp nước này. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức, ông sẽ giữ chế độ quân dịch như một lựa chọn khi cần thiết trong tương lai.
Trung Nguyên