Trong một giờ đồng hồ, Thủ tướng Merkel đã trả lời khoảng 30 câu hỏi của các nghị sĩ, chủ yếu xoay quanh các chủ đề "nóng" đang được cộng đồng quốc tế và dư luận đặc biệt quan tâm.
Trong phiên chất vấn, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định sẽ có các cuộc thảo luận khó khăn trong hai ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G7, dự kiến khai mạc vào ngày 7/6 tại Charlevoix thuộc vùng Quebec của Canada.
Theo Thủ tướng Angela Merkel, Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế công nghiệp hàng đầu của phương Tây và Mỹ đang có sự xung đột và mâu thuẫn về các chính sách thương mại đơn phương của Washington, trong đó nổi bật là việc Mỹ quyết định áp thuế mới đối với các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc trả lời chất vấn của các nhà lập pháp Đức ngày 6/6. (Nguồn: Getty Images) |
Tuy nhiên, bà Merkel cũng nhấn mạnh rằng, điều quan trọng hiện nay là các nước châu Âu cần đoàn kết, cùng nhau hành động vì một thương mại tự do và công bằng cũng như chống lại chủ nghĩa bảo hộ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Merkel cũng lưu ý rằng hiện khó có khả năng Nga sẽ quay lại nhóm G8, tuy nhiên bà luôn ủng hộ các cuộc đàm phán với Moscow, đồng thời nhấn mạnh đối thoại luôn có ý nghĩa quan trọng.
Cũng trong phiên chất vấn lần này, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã vấp phải nhiều sự chỉ trích và cáo buộc từ các nghị sĩ thuộc đảng cánh hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) và đảng Dân chủ Tự do (FDP) về chính sách nhập cư và chính sách châu Âu.
Trước cáo buộc chính sách nhập cư của bà đã khiến Đức thiệt hại nghiêm trọng, Thủ tướng Merkel đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này, đồng thời khẳng định Đức đã hành động "rất có trách nhiệm" khi tiếp nhận người tị nạn. Tính hợp pháp của các quyết định tại thời điểm năm 2015 đã được Tòa án châu Âu xác nhận.
Trong khi đó, về chính sách châu Âu, Thủ tướng Angela Merkel cũng bác bỏ mọi cáo buộc của Chủ tịch đảng FDP Christian Lindne khi cho rằng bà Merkel đã ưu tiên triển khai các kế hoạch châu Âu bằng các cuộc trả lời phỏng vấn của giới truyền thông hơn là đưa vấn đề này ra trao đổi trong Quốc hội.
Bà Merkel nhấn mạnh viện trợ chỉ có sẵn trong các điều kiện nghiêm ngặt và quỹ cứu trợ Eurozone sẽ được đổi thành Quỹ tiền tệ châu Âu để có thể nhanh chóng giải quyết các cuộc khủng hoảng.