Thủ tướng Đức ủng hộ ý tưởng bầu Chủ tịch EC theo cơ chế 'ứng cử viên dẫn đầu'. (Nguồn: Reuters) |
Bà Merkel đồng thời nhấn mạnh, Berlin ủng hộ ý tưởng bổ nhiệm một "Spitzenkandidat" hay còn gọi là "ứng cử viên dẫn đầu" từ đảng chiến thắng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vừa qua.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thủ tướng Merkel nêu rõ:" Chúng tôi muốn tìm một giải pháp sớm nhất có thể, khi EP sẽ triệu tập vào đầu tháng 6 tới và thật tự nhiên nếu đúng vào thời điểm đó, chúng tôi có được một đề xuất từ Hội đồng châu Âu".
Bà Merkel cũng cho biết, liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) - đảng đối tác trong liên minh cầm quyền, đều ủng hộ ý tưởng về "Spitzenkandidat".
Cơ chế "Spitzenkandidat", hay "ứng cử viên dẫn đầu" từng được sử dụng năm 2014 để bầu ông Jean-Claude Junker làm Chủ tịch EC và được các nghị sĩ trong EP đánh giá là thể hiện sự lựa chọn dân chủ hơn. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có Pháp, không ủng hộ cơ chế này.
Trong diễn biến liên quan, kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) 2019 tại Anh công bố ngày 27/5 cho thấy, đảng Brexit của chính trị gia theo đường lối dân túy bài Liên minh châu Âu (EU), ông Nigel Farage, đã giành được 31,6% số phiếu bầu, tương đương 29 ghế tại EP.
Trong khi đó, đảng Dân chủ Tự do thân châu Âu giành được 20,3% số phiếu, Công đảng đối lập chính có được 14,1% số phiếu, đảng Xanh 12,1% và đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May chỉ được 9,1% số phiếu ủng hộ.
Đây là kết quả tồi tệ nhất của đảng Bảo thủ tại một cuộc bầu cử quốc gia ở Anh trong vòng gần 200 năm qua.