Theo hãng thông tấn DPA (Đức), phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm, Tổng thống Đức cho biết ông đã nhận được đảm bảo rằng Australia sẽ xem xét và kiểm tra mọi điều kiện chăm sóc cũng như chỗ ở cho những người tịn nạn đang bị tạm giữ chờ xét duyệt hồ sơ xin tị nạn vào nước này.
Theo Tổng thống Frank-Walter Steinmeier, Australia đang tìm kiếm một biện pháp nhanh gọn để giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn, trong đó bao gồm cả phương án tái định cư. Tổng thống Frank-Walter Steinmeier tới Perth để tham dự một cuộc hội thảo doanh nghiệp giữa Đức và Australia.
Tình hình tại trại tị nạn trên đảo Manus ở Papua New Guinea đang ngày càng xấu đi kể từ khi Chính phủ Australia đóng cửa một trung tâm tạm giữ ở Manus hôm 31/10, nơi mà Liên hợp quốc mô tả là "tình hình nhân đạo khẩn cấp ngày càng gia tăng".
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tại cuộc hội đàm ở Perth. (Nguồn: The Australian) |
Theo báo cáo của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR), khoảng 600 người tị nạn đã từ chối chuyển tới chỗ ở tạm thời tại thị trấn chính trên đảo do lo sợ bị người dân địa phương tấn công. Các nguồn cung cấp điện, thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết đều bị cắt, trong khi những người đàn ông trong trại đã phải đào sâu dưới đất để tìm nguồn nước uống.
Hiện Chính phủ Australia đang đẩy mạnh việc ban hành các quy định mới nghiêm ngặt nhằm cấm bất kỳ người xin tị nạn nào di chuyển bằng đường biển vào nước này, kể cả các khách du lịch. Những người tị nạn bị chặn lại trên biển sẽ bị đưa đến đảo Manus và đảo quốc Nauru để chờ xét duyệt hồ sơ xin tị nạn. Tuy nhiên, những người này hầu như sẽ không được duyệt cho phép tái định cư ở Australia.
Trong khi đó, Chính phủ Australia đã nhất trí đóng cửa trung tâm ở Manus vào ngày 31/10 vừa qua. Khi đó, đơn xin tị nạn của những người này bị bác và họ sẽ phải tái định cư ở Papua New Guinea. Đại diện Liên minh Hành động vì người tị nạn Sydney cho biết không ai được tự do tại Manus, cảnh báo nơi đây sẽ trở thành như Nauru, "một đảo tù". Những người bị giữ tại các đảo này cũng tuyên bố họ không muốn tái định cư ở Papua New Guinea vì không thể làm việc hay lo liệu cho gia đình, cũng như không cảm thấy an toàn.
Từ năm 2013, đã có 2.125 người bị đưa đến những trung tâm giam giữ này. Tính đến ngày 30/9, vẫn còn 1.111 người bị giam giữ tại đây, trong đó có 742 người tại Manus và 369 người tại Nauru.