Đây là vấn đề được nêu ra tại Hội thảo “Điều kiện kinh doanh: Nhận diện và kiến nghị” tổ chức ngày 14/6. Theo TS. Nguyễn Am Hiểu, trọng tài viên thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, việc cần làm là phải nhận diện lại ĐKKD. Bản chất của thị trường là tự do kinh doanh. Tuy nhiên, hiện trong những điều kiện nhất định quyền tự do bị giám sát bởi quyền lực nhà quản lý. Do đó, khái niệm ĐKKD đang được bàn là khái niệm bị “đánh tráo”.
Băn khoăn vì một Nghị định
Ông Hà Thanh Tùng, Công ty TNHH SX, TM & DV Đông Tùng (Hà Giang) đang “nháo nhào” gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan có trách nhiệm trước Nghị định 19 của Chính phủ về kinh doanh khí và Thông tư 03 của Bộ Công thương quy định chi tiết một số điều về kinh doanh khí.
Theo đó, tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định 19 về điều kiện đối với thương nhân phân phối khí (tên đúng là Khí hóa lỏng - Liquified Petroleum Gas (LPG)) quy định phải “… có các bồn chứa với tổng sức chứa tối thiểu 300m3” và Điểm a Khoản 2 “có số lượng LPG chai các loại (không tính chai LPG mini) đủ điều kiện lưu thông trên thị trường thuộc sở hữu của thương nhân với tổng dung tích chứa tổi thiểu 2,62 triệu lít (tương đương 100 nghìn vỏ chai gas loại 12kg)”.
Giải thích khi đưa ra con số trên, Bộ Công thương tính trung bình 1 bình gas 12kg có vòng quay 4 tháng/lần (3 vòng/năm), lượng tiêu thụ của một thương nhân phân phối LPG là 100.000 chai x 3 vòng x 12kg/1.000kg = 3.600 tấn/năm = 300 tấn/tháng. Do đó, quy định 300m3 sẽ đáp ứng đủ yêu cầu dự trữ tối thiểu 15 ngày đối với hoạt động cung cấp LPG cho 100 nghìn chai LPG phù hợp với vùng sâu, vùng xa.
Theo ông Tùng, cách tính như vậy là chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương. Đơn cử, dân số các tỉnh miền núi giao động quanh mức 450 -750 nghìn người. Bình quân sản lượng tiêu thụ khoảng 150 - 250 tấn/tháng tùy điều kiện kinh tế của mỗi tỉnh. Với mức sản lượng như vậy thị phần các hãng lớn như Petrolimex, PetroViệt Nam chiếm từ 35-45% vì các hãng này có mặt trên thị trường từ rất sớm, có thương hiệu, uy tín. Lượng còn lại là của trạm chiết tại địa phương và thương hiệu của một số tỉnh khác cung ứng vào. Do đó, các doanh nghiệp phải đầu tư thừa so với khả năng tiêu thụ của thị trường, không đúng với nhu cầu thật.
“Hậu quả, các trạm chiết quy mô nhỏ và vừa sẽ phải vay bổ sung một lượng vốn khoảng 25 tỷ đồng để mua thêm vỏ chai, đầu tư thêm bồn tồn trữ và kho chứa dù chưa có người mua để đảm bảo điều kiện quy định của Nghị định. Khi đó, chi phí về vốn, khấu hao, quản lý sẽ đẩy giá thành lên cao, hạn chế sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Tùng cho biết.
Đồng cảnh ngộ, ông Lê Minh Lợi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chỉ ra một điểm bất cập khác. Theo điều 11, điều kiện tổng đại lý kinh doanh LPG phải có kho chứa tối thiểu 2.000 chai LPG. Trong khi cảnh sát phòng cháy chữa cháy chỉ thẩm duyệt và cấp phép kho chứa không quá 1.000 kg (tương đương 83 chai 12 kg) TCVN 6223 - 2011.
Ngoài ra, tại Điều 21 Khoản 3 quy định quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối khí LPG chỉ ký hợp đồng đại lý với thương nhân có đủ điều kiện làm đại lý. Về khoản này, ông Lợi đồng ý nhưng vấn đề lại là phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện (do Sở Công thương cấp), trong khi Sở Công thương chỉ cấp nếu có hợp đồng. “Vấn đề này giống như quả trứng và con gà - ai có trước?”, ông Lợi ví von.
Số điều kiện kinh doanh tăng vọt
Bình luận về ĐKKD trái luật, luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật BASICO thẳng thắn, chúng ta không cần phải chờ đến ngày 1/7 vì tất cả hàng nghìn ĐKKD đang được quy định tại các Thông tư trong khoảng thời gian 10 năm qua đều là trái luật.
Lý do là ngay từ Khoản 5 Điều 7 về “Ngành, nghề và ĐKKD”, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã quy định rõ: “Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và ĐKKD”.
Trước đó, Nghị định số 03/2000/NĐ-CP của Chính phủ về “Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp” đã quy định rõ: “Các văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành hoặc các cấp chính quyền địa phương ban hành mà không căn cứ vào luật, pháp lệnh, nghị định quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và ĐKKD các ngành, nghề đó đều không có hiệu lực thi hành”.
Như vậy, theo luật sư Đức, hàng nghìn ĐKKD đã trái luật suốt 16 năm qua. “Và sau 16 năm, số giấy phép con, tức ĐKKD do các Bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành trái luật không những không giảm đi mà còn tăng vọt lên đến khoảng 4.000 điều kiện kinh doanh trái luật”, ông Đức cho biết.
Nhận diện về ĐKKD hiện nay, TS. Nguyễn Am Hiểu cho rằng, không có hoạt động kinh doanh nào là không có điều kiện. Tuy nhiên, mỗi loại hoạt động cần những điều kiện khác nhau. Vấn đề quan trọng của pháp luật là phân biệt loại điều kiện nào không cần và loại điều kiện nào cần thủ tục xác nhận; thủ tục xác nhận đấy là Giấy phép hay chứng chỉ; Nhà nước hay tổ chức nghề nghiệp xác nhận?