Nhỏ Bình thường Lớn

Đứng giữa ‘làn đạn’ thương chiến Mỹ-Trung Quốc, một quốc gia Đông Nam Á phải sống sót thế nào?

Cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa hai gã khổng lồ kinh tế số 1 và số 2 thế giới là Mỹ-Trung Quốc được dự đoán sẽ leo thang hơn nữa khi ngày bầu cử Tổng thống Mỹ (5/11) càng đến gần.
Đứng giữa ‘làn đạn’ thương chiến Mỹ-Trung Quốc, một quốc gia Đông Nam Á lao đao
Đứng giữa ‘làn đạn’ thương chiến Mỹ-Trung Quốc, một quốc gia Đông Nam Á phải sống sót thế nào? (Nguồn: e-ir.info)

Đương kim Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump được cho là sẽ có trận tái đấu trong cuộc bầu cử Mỹ sắp tới. Cả hai đều có lập trường lợi dụng cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc để giành được sự ủng hộ của công chúng Mỹ về mặt chính trị.

Tin liên quan
Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg 2024: Thúc đẩy hình thành các trung tâm tăng trưởng mới Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg 2024: Thúc đẩy hình thành các trung tâm tăng trưởng mới

Tấn công và trả đũa

Giám đốc đầu tư Wawan Hendrayana tại Tập đoàn đầu tư công nghệ hàng đầu tại Indonesia Infovesta Utama đã đề cập sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc có thể dẫn đến một đợt suy thoái kinh tế toàn cầu. Theo ông Hendrayana, điều đó đang dần lộ diện khi “nền kinh tế và chuỗi cung ứng của Bắc Kinh bắt đầu chậm lại. Nhiều nhà máy sản xuất đã rời khỏi Trung Quốc để đến một số nước ở châu Á và Mexico”.

“Quả thực, năm nay vẫn còn khá nhiều thách thức đối với nền kinh tế thế giới, chúng tôi chỉ còn hy vọng rằng, mọi thứ sẽ tốt hơn trong tương lai”, ông Wawan Hendrayana nói thêm.

Tuy nhiên, trái với những hy vọng của vị Giám đốc đầu tư Infovesta Utama, quan hệ Mỹ-Trung Quốc lại đang đứng trước những thử thách mới. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục rơi vào vòng xoáy tăng thuế và trả đũa lẫn nhau, gây ra lo ngại về những tác động không mong muốn đối với cả hai phía, cũng như đối với thương mại toàn cầu đang chật vật phục hồi sau đại dịch Covid-19 và các cuộc xung đột hiện nay.

Không chỉ giữ nguyên các mức thuế được đưa ra năm 2018 dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, đánh trực tiếp vào 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, Washinghton còn sắp tăng thuế suất nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng khác từ nền kinh tế thứ hai thế giới. Chiều ngược lại, Bắc Kinh cũng cảnh báo sẽ có các biện pháp kiên quyết và đang lên kế hoạch “trả đũa” bằng tăng thuế đánh vào hàng hóa của đối phương.

Từ ngày 1/8, theo thông báo của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, nước này sẽ tăng thuế suất nhập khẩu mạnh tay đối với một loạt hang hóa từ Trung Quốc, trong đó có pin xe điện, chip máy tính và các sản phẩm y tế. Việc tăng thuế mới sẽ tác động đến lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá tới 18 tỷ USD từ quốc gia châu Á.

Chính phủ của Tổng thống Joe Biden sẽ tăng gấp 4 lần mức thuế nhập khẩu đối với xe điện Trung Quốc, từ 25% lên 100%, bao gồm các loại xe điện thuần túy (BEV) ở mọi kích cỡ, cũng như xe hybrid cắm điện (PHEV). Các loại pin từ Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt với mức thuế cao gấp đôi, chẳng hạn, thuế nhập khẩu pin lithium cho xe điện sẽ tăng từ 7,5% lên 25%, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2026; từ 25% lên 50% với thành phần quang điện dùng để chế tạo các tấm pin Mặt trời, từ 0% lên 25% với một số khoáng sản quan trọng. Mức thuế suất nhập khẩu đối với một số sản phẩm thép, nhôm sẽ là 25%.

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho rằng, mức thuế mới là hợp lý vì Trung Quốc bị cáo buộc ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ.

Còn người đứng đầu chính phủ Mỹ cáo buộc Bắc Kinh "trong nhiều năm đã đổ tiền vào các công ty trong các ngành như bán dẫn, xe điện, pin Mặt trời. Trung Quốc cũng đã trợ cấp rất nhiều cho các sản phẩm này, dẫn tới việc sản xuất nhiều hơn khả năng hấp thụ, tạo ra lượng sản phẩm dư thừa với giá thành thấp”.

“Tuy nhiên, tôi muốn cạnh tranh công bằng với Trung Quốc chứ không phải xung đột", ông Biden tuyên bố.

Trong khi đó, Bắc Kinh không ngần ngại đáp trả rằng, sẽ có các biện pháp tương ứng về thuế quan, khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gọi động thái của Mỹ là "một hình thức bắt nạt điển hình".

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho rằng, việc tăng thuế sẽ không chỉ làm gián đoạn hợp tác kinh tế và thương mại bình thường giữa hai nước mà còn làm tăng đáng kể chi phí hàng hóa nhập khẩu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho rằng, Mỹ tiếp tục chính trị hóa các vấn đề kinh tế và thương mại. “Chúng tôi kêu gọi Mỹ nghiêm túc tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và hủy bỏ ngay việc tăng thuế đối với Trung Quốc. Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của mình", ông Uông cảnh báo.

Vài ngày sau phát biểu của Ngoại trưởng Vương Nghị, Bộ Thương mại Trung Quốc đã tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với nhựa kỹ thuật nhập khẩu từ Mỹ cũng như từ Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) - những đồng minh thân cận của Washington. Bắc Kinh cho biết, có thể xem xét tăng thuế suất nhập khẩu tạm thời đối với ô tô nhập khẩu có động cơ phân khối lớn từ Mỹ và EU.

Đứng giữa “hai người khổng lồ”

Indonesia chỉ là một trong những nền kinh tế điển hình đứng ở giữa “hai người khổng lồ”. Dù là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, quốc gia đông dân thứ tư thế giới, Indonesia vẫn phải chịu nhiều tác động tiêu cực từ cuộc thương chiến kéo dài này, bởi phụ thuộc khá lớn vào các nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trưởng phòng Nghiên cứu tại NH Korindo Sekuritas Indonesia, bà Liza C. Suryanata, cho biết, cuộc chiến thương mại kéo dài này có thể có tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế Indonesia vốn phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu.

Tháng 4/2024, xuất khẩu phi dầu mỏ lớn nhất của Indonesia là sang Trung Quốc, lên tới 4,28 tỷ USD, tiếp theo là Ấn Độ với 1,81 tỷ USD và Mỹ 1,75 tỷ USD.

Cụ thể hơn, nhà phân tích cấp cao tại MNC Sekuritas, Rudy Setiawan, cảnh báo về tác động của cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới Mỹ-Trung Quốc đối với giá niken - một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Indonesia.

Sản phẩm chủ lực của Trung Quốc là xe điện (EV), vốn cần nhập niken từ Indonesia. Việc tăng thuế nhập khẩu đối với xe điện từ Trung Quốc sang Mỹ được cho là sẽ khiến giá niken giảm.

Hiện tại, giá niken đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi nhờ hoạt động sản xuất từ ​​Trung Quốc sau khi trải qua đợt sụt giảm đáng kể vào năm ngoái. Tuy nhiên, so với các mặt hàng khác như than và dầu, niken đang bị tụt lại phía sau”, chuyên gia Rudy Setiawan cho biết.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã diễn ra từ năm 2018 khi ông Donald Trump còn là Tổng thống. Xung đột thương mại tiếp tục bùng phát khi Tổng thống Joe Biden kế nhiệm và tiếp tục áp đặt thuế quan đối với các sản phẩm, hàng hóa Trung Quốc liên quan xe điện.

Nhìn vấn đề ở một góc độ khác, một số chuyên gia Indonesia lạc quan cho rằng, Mỹ giảm nhập khẩu từ Trung Quốc, có thể là cơ hội cho các nhà sản xuất ở các nước khác lấp đầy khoảng trống. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Indonesia không chia sẻ sự lạc quan đó.

Shinta Kamdani, Chủ tịch Hiệp hội Người sử dụng lao động Indonesia không phủ nhận đó là một cơ hội, nhưng việc tận dụng được nó thông qua xuất khẩu thực sự là một thách thức rất lớn. Vì hàng hóa xuất khẩu chính của Indonesia không phù hợp với nhu cầu của Mỹ.

Thực tế là, khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc bắt đầu, xuất khẩu của Indonesia sang Mỹ cũng bị đình trệ hoặc chỉ tăng vài điểm phần trăm. Xuất khẩu của Indonesia sang Mỹ hầu như không thay đổi trong 10 năm qua, vẫn chủ yếu là nguyên liệu thô và hàng tiêu dùng đơn giản – khác xa so với các sản phẩm công nghệ cao sản xuất tại Trung Quốc, hiện đang phải chịu mức thuế leo thang của Mỹ.

Chủ tịch hiệp hội trên thừa nhận: “Nếu Indonesia không thể sớm sản xuất những sản phẩm cao cấp tuân thủ các tiêu chuẩn và thông số mà thị trường Mỹ mong đợi thì chúng tôi sẽ không thể khai thác thị phần do thuế quan của Mỹ áp lên Trung Quốc tạo ra”.

Lo ngại xa hơn, chuyên gia Liza C. Suryanata phân tích: Cho đến nay, “đòn thuế quan” đã tác động đến sự tăng giá của nhiều loại hàng hóa, trong có có nguyên liệu như đồng… từ đó sẽ trực tiếp và gián tiếp làm chậm quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu và giảm nhu cầu năng lượng. “Tôi tin rằng, đằng sau cuộc chiến thương mại này có những lợi ích chính trị”, bà Liza nhận định.

Về “cuộc chiến không hồi kết này”, tờ AFP bình luận rằng, “tung đòn thuế” về phía Bắc Kinh lúc này là cách để Tổng thống Biden tìm cách thu phục cử tri cổ xanh ở các bang xung đột, bằng cách tỏ ra “cứng rắn về thương mại” trước cuộc tái đấu với “ứng cử viên nặng ký” Donald Trump. Bởi vậy, dự đoán, chiến tranh thương mại sẽ còn leo thang hơn nữa khi cuộc bầu cử ngày 5/11 càng đến gần và các đối tác của họ phải tìm mọi cách để tự sống sót.

Giá vàng hôm nay 7/6/2024: Giá vàng miếng SJC lao dốc đến bao giờ, thế giới vẫn trong vòng 'nguy hiểm', vàng luôn là lựa chọn đầu tư đúng đắn

Giá vàng hôm nay 7/6/2024: Giá vàng miếng SJC lao dốc đến bao giờ, thế giới vẫn trong vòng 'nguy hiểm', vàng luôn là lựa chọn đầu tư đúng đắn

Giá vàng hôm nay 7/6, giá vàng miếng liên tục giảm theo đúng mục tiêu điều hành của Chính phủ và nỗ lực ổn định ...

Giá cà phê hôm nay 7/6/2024: Giá cà phê robusta giảm nhiệt, nguyên nhân 'sự đổi ngôi' trên thị trường thế giới

Giá cà phê hôm nay 7/6/2024: Giá cà phê robusta giảm nhiệt, nguyên nhân 'sự đổi ngôi' trên thị trường thế giới

Trong tháng 5, các doanh nghiệp xuất khẩu được 71.569 tấn cà phê nhân robusta, với đơn giá 3.920 USD/tấn và 6.831 tấn cà phê ...

Moscow lộ ‘xương sống’ kinh tế, Ukraine tố ‘quyền lực ngầm’ Rosatom vẫn tồn tại, EU khẳng định cai thành công khí đốt Nga

Moscow lộ ‘xương sống’ kinh tế, Ukraine tố ‘quyền lực ngầm’ Rosatom vẫn tồn tại, EU khẳng định cai thành công khí đốt Nga

Bất chấp nhiều vòng trừng phạt đánh vào kinh tế, Rosatom vẫn là một trụ cột tài chính của kinh tế Nga và nguồn khí ...

Ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc hội đàm: Bắc Kinh kêu gọi Washington 'đừng giẫm lên lằn ranh đỏ'

Ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc hội đàm: Bắc Kinh kêu gọi Washington 'đừng giẫm lên lằn ranh đỏ'

Ngày 26/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc hội đàm về một loạt vấn đề phức tạp và nhạy cảm với người đồng ...

Trung Quốc muốn nâng tầm quan hệ với một quốc gia Nam Mỹ

Trung Quốc muốn nâng tầm quan hệ với một quốc gia Nam Mỹ

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 28/4 đã hội đàm với Ngoại trưởng Bolivia Celinda Sosa Lunda tại Bắc Kinh, hai bên cam kết ...

(theo Jakarta Globe, The Star)