TIN LIÊN QUAN | |
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Quan hệ Việt-Mỹ còn nhiều tiềm năng phát triển | |
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại chu kỳ hợp tác |
Đó là chia sẻ của bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Đại sứ Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) và tại Bỉ, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội.
Thời gian qua, ngành Ngoại giao có nhiều tin vui như Đại sứ Lê Lương Minh được bổ nhiệm là Tổng Thư ký ASEAN nhiệm kỳ 2013-2017, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao được bầu vào Ủy ban pháp lý quốc tế của Liên hợp quốc (ILC), Đại sứ Phạm Sanh Châu ứng cử chức danh Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO)... Từng là cánh chim đầu đàn, đặt nền móng cho ngoại giao đa phương Việt Nam, bà cảm nhận như thế nào về những sự kiện này?
Rõ ràng, những việc nói trên cho thấy cái lực và cái thế mới trong ngoại giao đa phương của Việt Nam đang ngày càng được tăng cường và nâng cao. Đây cũng là điều khiến cho tôi, người từng là một cán bộ ngoại giao đa phương, rất mừng cho đất nước và ngành Ngoại giao. Thật ra còn phải kể đến Đại sứ Nguyễn Thiệp được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nhiệm kì 2013 – 2014 và lần đầu tiên công dân một quốc gia ven sông, Việt Nam - ông Phạm Tuấn Phan – được bổ nhiệm đứng đầu tổ chức Ủy hội Sông Mekong (MRC) từ đầu năm 2016.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên Đại sứ Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) và tại Bỉ, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội. |
Khoảng chục năm về trước, việc người Việt có mặt ở những vị trí trung - cao trong các tổ chức quốc tế hầu như còn xa vời. Nhưng cho đến nay, điều này đã trở nên “khả thi” hơn. Đó là kết quả của một quá trình nhiều năm nắm bắt thực tế vận hành và tìm hiểu cơ hội cho Việt Nam đi vào bộ máy các tổ chức quốc tế và khu vực. Kết quả đó còn nhờ vai trò nước chủ nhà của Việt Nam đăng cai tổ chức rất thành công nhiều hội nghị cấp cao quốc tế và khu vực từ Hội nghị cấp cao 7 Cộng đồng các nước sử dụng tiếng Pháp (1997) đến Hội nghị cấp cao ASEAN 6 và 16 (1998 và 2010), Hội nghị cấp cao ASEM 5 năm 2004, Hội nghị cấp cao APEC 14 (2006) và APEC 2017 sắp tới.
Tuy nhiên phải phân biệt viên chức quốc tế tự ứng cử với tư cách cá nhân và viên chức quốc tế - đặc biệt ở những vị trí trung - cao – do Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan khác của chính phủ trong nước giới thiệu và vận động ủng hộ. Đối với trường hợp thứ nhất, lợi thế cho Việt Nam tùy thuộc vào thái độ của viên chức quốc tế người Việt đó quan tâm tìm cơ hội hỗ trợ cho trong nước đến mức nào. Tôi biết trường hợp một cán bộ ngoại giao trẻ được Bộ Ngoại giao cho phép thi vào Liên hợp quốc (LHQ) đã được thu nhận làm tại ESCAP (Hội đồng Kinh tế Xã hội châu Á - Thái Bình Dương) của LHQ, sau đó đã “mất tích” không liên lạc hỗ trợ gì cho cơ quan. Nói cách khác, không phải cứ có người Việt Nam trong bộ máy của LHQ thì đương nhiên sẽ có lợi cho quốc gia. Đối với trường hợp thứ nhì (ba trường hợp được báo Thế giới & Việt Nam đề cập) sự “ăn khớp” giữa trong và ngoài sẽ chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Theo tôi, chúng ta cần phải quy hoạch xác định những vị trí ứng cử có lợi và khả thi nhất đối với Việt Nam, nắm rõ tính chất của các vị trí mà các cá nhân Việt Nam ứng tuyển để tìm người phù hợp, có những vị trí nặng về chính trị, lại có những vị trí nặng về chuyên môn hơn, yếu tố khu vực, luân phiên, để triển khai việc chọn và bồi dưỡng sớm cán bộ có tiềm năng và vận động kịp thời và hiệu quả cho ứng cử viên của ta. Có như vậy, mỗi khi có cơ hội tranh cử vào các tổ chức quốc tế là Việt Nam có sẵn ngay dàn “chiến mã” hùng hậu, có thể tự tin tranh đua với các ứng viên quốc tế.
Xin bà đánh giá những thuận lợi và khó khăn của các nhà ngoại giao hiện nay khi đảm nhận các vị trí lãnh đạo tại các tổ chức quốc tế?
Theo tôi, lợi thế đầu tiên đối với các nhà ngoại giao Việt Nam khi đảm nhận vị trí trong các tổ chức quốc tế là vị thế quốc tế của Việt Nam đang đi lên. Đây cũng là điều mà Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh từng khẳng định vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập ngành ngoại giao Việt Nam. Ngoài ra chủ trương từng bước đưa người của ta vào hệ thống tổ chức đa phương nhận được sự đồng thuận ủng hộ của chính phủ và lãnh đạo Bộ Ngoại giao cũng như hưởng ứng của các cơ quan đơn vị chuyên môn liên quan. Và quan trọng nhất là thế hệ ngoại giao trẻ hiện nay tuổi trẻ tài cao, có trình độ ngoại ngữ, kiến thức và điều kiện học tập, nghiên cứu tốt hơn “lớp già” rất nhiều, khá tự tin và năng động.
Tuy nhiên tôi nghĩ rằng thử thách với họ cũng không hề nhỏ. Bởi lẽ, dung hòa nhiệm vụ quốc tế và lợi ích quốc gia dân tộc tại một tổ chức đa phương là một bài toán khó. Đơn cử Đại sứ Lê Lương Minh đảm nhiệm vị trí Tổng Thư ký ASEAN, khi phát biểu về các vấn đề, bao gồm cả vấn đề Biển Đông, ông không thể phát biểu với tư cách là một công dân, một nhà ngoại giao Việt Nam mà phải đại diện cho cộng đồng ASEAN và lợi ích chung của Hiệp hội. Mặt khác, Đại sứ Lê Lương Minh cũng không thể phát biểu những điều bất lợi cho Việt Nam.
Trong khi thực hiện nhiệm vụ chung ở một tổ chức quốc tế họ lại phải khéo léo đan xen lợi ích nhiệm vụ riêng của quốc gia sao cho cuối cùng đạt được phương thức win-win (đôi bên cùng có lợi). Làm được điều này là cả một thách thức, một nghệ thuật đòi hỏi bản lĩnh và sự nhạy bén chính trị, biết khéo léo tập hợp lực lượng và gây dựng sự đồng thuận trong một tập thể lớn, phức tạp với những nhóm chủ thể và lợi ích khác nhau, không ít khi đối nghịch. Hiện nay, vị thế của các cá nhân Việt Nam trên trường quốc tế còn khá bé nhỏ trong khi các đối thủ quốc tế thường rất “khủng” với ngoại ngữ tốt hơn, kinh nghiệm tham gia điều hành các cuộc họp đa phương dày dạn, bài bản và đầu tư nguồn lực tài chính nhân sự dồi dào hơn ta nhiều.
Lời khuyên của bà cho thế hệ các nhà ngoại giao trẻ thời đẩy mạnh hội nhập, cũng như về việc phấn đấu vào làm việc các tổ chức quốc tế, toàn cầu?
Ngoài những yêu cầu chính trị trọng yếu vừa nêu, tôi xin lưu ý thêm một số yêu cầu cụ thể: Một là phải hiểu biết cặn kẽ, kể cả qua thực tiễn, sự vận hành của hệ thống đa phương và đặc biệt các tổ chức đa phương mà ta nhắm đến.
Hai là, phải bảo đảm trình độ ngoại ngữ quốc tế (chủ yếu Anh và/hoặc Pháp) điêu luyện. Đây là điều kiện tiên quyết đối với một cán bộ làm đối ngoại đa phương nói chung và cán bộ ứng cử làm viên chức quốc tế nói riêng.
Ba là, cần nhạy bén, xoay chuyển trong mọi tình huống và tự chủ. Tự chủ ở đây tức là không bộc lộ, thể hiện mình quá mức mà chỉ vừa đủ. Những kĩ năng này cần có nhiều thời gian, qua trải nghiệm và đôi khi là qua vài “bài học đau đớn” mới có thể rèn luyện được.
Bốn là, phải biết lắng nghe, tiếp thu những cái mới, bởi có như vậy thì ngược lại mới có thể chia sẻ cho các bạn nước ngoài hiểu, cảm thông và đứng về phía mình.
Năm là, các nhà ngoại giao trẻ cũng cần trau dồi hiểu biết về văn hóa thế giới. Tôi thấy đây dường như là điểm tương đối yếu của các nhà ngoại giao Việt Nam hiện nay.
Sáu là, về chuyên môn, tôi nghĩ rằng một cán bộ đa phương cần phải có kĩ năng viết báo cáo tổng hợp tốt, biết cách chủ trì các cuộc họp nhiều bên, biết vận động hành lang, biết dự thảo và điều chỉnh bổ sung văn kiện,... Vì đây đều là những nghiệp vụ mà các nhà ngoại giao đa phương sẽ phải trải qua.
Lợi thế đầu tiên đối với các nhà ngoại giao Việt Nam khi đảm nhận vị trí trong các tổ chức quốc tế là vị thế quốc tế của Việt Nam đang đi lên. |
Bảy là, phải có bản sắc cá nhân của riêng mình. Nếu đã có mặt trong các tổ chức quốc tế mà không biết cách tạo dấu ấn thì sẽ khó lòng được để ý và dễ dàng bị lọt thỏm giữa các cá nhân nổi bật khác.
Tóm lại, trong thời buổi hội nhập hiện nay, yêu cầu, đòi hỏi và tính cạnh tranh đối với các nhà ngoại giao trẻ sẽ ngày càng cao và khắt khe hơn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đôi lần tiếp xúc với lớp ngoại giao trẻ của Bộ Ngoại giao, tôi cũng khá ấn tượng và tin tưởng rằng, nếu nỗ lực, rèn luyện bản lĩnh, kiến thức và kỹ năng và được quy hoạch bài bản, đội ngũ này có thể làm nên chuyện tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế đa phương trong tương lai.
Xin cảm ơn bà!
Đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết Lợi ích quốc gia dân tộc đang và sẽ là kim chỉ nam cho chính sách và công tác đối ngoại của Việt Nam trong ... |
Phát huy sức mạnh toàn dân, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc Kết thúc năm 2014, đất nước ta, dưới ngọn cờ của Đảng, tiếp tục giành được những thành tựu quan trọng, đưa công cuộc đổi ... |
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Lợi ích quốc gia, dân tộc là bất biến Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, hơn lúc nào hết chúng ta cần tỉnh táo, kiên định phương châm “Dĩ bất ... |