Nhỏ Bình thường Lớn

Đừng quên "nhập gia tùy tục"

Nhiều người Việt ở Nga gần đây phàn nàn rằng, mỗi khi xuất hiện chỗ đông người, họ bắt gặp nhiều ánh mắt dè chừng và tò mò của người bản xứ, một trong những nguyên nhân là thời gian qua, rất nhiều người Việt bị bắt vì tội bắt trộm chim bồ câu...


Tội bắt chim bồ câu được qui định trong điều 245 Bộ luật Hình sự LB Nga. Điều luật này qui định cụ thể về hành vi “đối xử tàn nhẫn với động vật”, và mức phạt cao nhất với hành vi bắt trộm chim bồ câu chỉ là phạt vi cảnh. Nhưng mức phạt mà luật pháp phương Tây đưa ra không tai hại bằng việc dư luận nhìn vào cộng đồng người Việt.

Việc không ít người Việt cảm thấy xấu hổ khi bị người bản xứ “soi mói” bắt đầu diễn ra từ những ngày đầu năm 2008, khi những hình ảnh về người Việt bắt trộm chim bồ câu được đăng tải trên hàng loạt phương tiện thông tin đại chúng ở Nga, cả báo in, báo điện tử lẫn truyền hình. Hoàn toàn không phải chuyện cố tình bôi nhọ dân nhập cư, mà thực tế, kể từ đầu năm 2008, có ít nhất 3 trường hợp người Việt bị cảnh sát bắt giữ vì bắt trộm chim bồ câu.

Trung tuần tháng 2, báo Matxcơva buổi chiều bắt đầu gây xôn xao khi giật tít “Chiến dịch săn chim bồ câu tại Matxcơva bắt đầu”. Bài báo thuật lại việc những người dân sống trên phố Novoslabodskaya bắt quả tang một người VN đang bắt rất nhiều chim bồ câu nhét vào túi. Cảnh sát đã đến hiện trường và bắt quả tang “kẻ đi săn” cùng tang vật là 20 chiếc túi chứa đầy chim bồ câu đã bị bóp chết và chiếc vợt lưới dùng để bắt chim.

Một trường hợp khác, đích thân những người dân trên đại lộ Chongarsky đã “tóm cổ” một người đàn ông khác và giao nộp cho cảnh sát cũng với nguyên nhân tương tự. Tang vật thu được là một chiếc ba lô chứa đầy chim bồ câu đã bị chết.

Không chỉ báo chí, nhiều cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường Nga cũng lên tiếng phản đối hành động này của người Việt. Bà Irina Novozhilova, Chủ tịch Hội Bảo vệ Động vật thành phố, phát biểu trên truyền hình: “Trong thời gian gần đây, hiện tượng bắt chim bồ câu xảy ra thường xuyên ở Thủ đô Matxcơva. Những người này đã bắt và giết nhiều chim bồ câu trong các khu dân cư, dưới sự chứng kiến của các cụ già, em nhỏ. Tôi không thể kết luận là chỉ có người VN tham gia bắt chim, nhưng trong tất cả trường hợp, bóng dáng “châu Á” rất rõ ràng”.

Khi được biết thông tin về cảnh sát Nga bắt giữ người Việt vì tội bắt trộm chim, anh Lê Thanh Bình, một người Việt từng nhiều năm sống ở châu Âu kể lại cho chúng tôi một kỉ niệm đáng xấu hổ, khi người Việt ở Ba Lan bị tẩy chay, vì có tờ báo đăng tin người Việt dùng thịt chó chế biến món ăn.

Hôm đó, như mọi ngày bình thường, anh Bình vào siêu thị mua đồ. Anh thấy một cháu bé hoảng hốt khi nhìn thấy anh, cô bé ôm vội con chó và giấu đi. Anh Bình bảo, “lúc ấy chỉ muốn chui ngay xuống đất vì ngượng”. Đó là thời điểm năm 2003, một thời gian sau vụ “xì-căng-đan chó” của người Việt trên đất Ba Lan. Anh Bình nhớ lại: “Người phương Tây yêu quí chó, cư xử với nó như với người thân, bởi vậy thông tin về người Việt ăn thịt chó là cú sốc với họ, ấn tượng về những người VN ăn thịt chó ăn sâu vào tâm trí họ”.

Anh Bình cho biết thêm rằng, việc tờ báo nọ đưa tin một số nhà hàng của người Việt sử dụng thịt chó chế biến món ăn để bán nên món ăn VN rẻ (trong đó có cả khách hàng là người Ba Lan) là không chính xác, nhưng chuyện người Việt bắt trộm chó để làm món ăn cho mình là hoàn toàn có thật. Ở khu vực chợ Sân vận động, nếu muốn làm một bữa thịt chó, đảm bảo sẽ có nhà hàng sẵn sàng phục vụ, chỉ cần báo trước. Nguyên nhân là ở Ba Lan có nhiều chó hoang và không khó khăn gì để bắt chúng về làm thịt.

Dẫu có phần “oan” khi bị cho là dùng thịt chó chế biến món ăn, nhưng cộng đồng người Việt hồi ấy không thể đi kiện lại được, vì việc bắt trộm chó, là hoàn toàn có thật.

Sau vụ “xì-căng-đan chó”, nhiều nhà hàng VN phải đồng loạt đóng cửa vì mất khách do người dân Ba Lan tẩy chay. Nhiều người Việt rơi vào cảnh điêu đứng suốt một thời gian dài.

Trở lại với “chiến dịch săn bồ câu” của người Việt ở LB Nga, không hiểu người Việt ở đây có biết đến vụ “xì-căng-đan” thịt chó ở Ba Lan hay không, mà lại tái diễn hành động giết những con vật mà nước sở tại yêu quý. Khi nói về hành động giết chim bồ câu của người Việt, bà Irina Novozhilova, Chủ tịch Hội bảo vệ động vật thành phố đã phát biểu: “Người Nga không bao giờ giết thịt chim câu, ngược lại đối xử với chúng như sứ giả của hòa bình, thiên sứ của tình yêu. Ở quanh các khu dân cư, trên các quảng trường đều có nhiều chim. Chúng tô điểm cho vẻ đẹp của thành phố, đem lại cho chúng tôi cảm giác yên bình, hạnh phúc”.

Người Việt có câu “nhập gia, tuỳ tục”, mong rằng mọi người khi ra nước ngoài sinh sống hãy ghi nhớ câu này. Cuộc sống của người Việt tại Nga mấy năm gần đây không dễ dàng và vụ “xì-căng-đan” về thịt chó ở Ba Lan vẫn là một bài học.

Mã Yên