📞

Dùng tài sản Nga tái thiết Ukraine: Đức lên tiếng phản đối, Áo nhắc về thảm họa kinh tế, ngân hàng lo bị 'trả đũa'

Việt An 17:40 | 26/06/2023
Ngày 26/6, Financial Times dẫn các nguồn tin cho biết, Đức phản đối kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) về việc sử dụng các tài sản bị đóng băng của Ngân hàng trung ương Nga để tái thiết Ukraine.
Đức phản đối dùng tài sản Nga để tái thiết Ukraine. (Nguồn: Getty Images)

Berlin kêu gọi cân nhắc các lựa chọn khác do lo ngại quyết định này có thể dẫn tới các thách thức về pháp lý và tài chính.

Một số thành viên của chính phủ Đức tin rằng, kế hoạch không nhận được đủ sự ủng hộ để thực hiện vì các mối đe dọa pháp lý là "quá cao".

Financial Times viết: "Berlin đã và đang làm mọi thứ có thể về mặt pháp lý để xác định và đóng băng tài sản của các công dân và tổ chức Nga bị trừng phạt.

Tuy nhiên, ý định của EU về việc sử dụng tiền đóng băng của Nga để tái thiết nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của Ukraine đã đặt ra những câu hỏi phức tạp về tài chính và pháp lý".

Bài báo cho biết thêm, EU đang tìm cách huy động tới 3 tỷ EUR (3,3 tỷ USD) mỗi năm từ việc nắm giữ tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga và Kiev đề xuất giải pháp để EU sử dụng tài sản bị tịch thu làm tài sản thế chấp, thông qua đó, có thể vay để đầu tư và phân bổ tiền cho Ukraine.

Các ngoại trưởng EU được cho là sẽ thảo luận vấn đề này tại cuộc họp ở Luxembourg trong ngày 26/6.

* Cũng liên quan đến vấn đề trên, theo một tài liệu Bloomberg, EU đánh giá rằng, không thể tịch thu hợp pháp tài sản của Nga, thay vào đó đang tập trung vào việc sử dụng các tài sản này một cách tạm thời.

Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg kêu gọi EU thận trọng.

Ông phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg rằng: “Hành động của EU có thể bị thách thức, có thể bị đưa ra các tòa án châu Âu hoặc Mỹ. Nếu EU thua tại tòa thì đó sẽ là một thảm họa kinh tế và ngoại giao”.

Một số ngân hàng lớn trên toàn cầu lo ngại rằng, việc chiếm đoạt tài sản của Nga có thể khiến Moscow tìm cách trả đũa. Giám đốc điều hành của một ngân hàng cho biết, Nga có thể gây khó khăn hơn cho các ngân hàng nước ngoài và nhắm mục tiêu vào nhân viên địa phương của họ.

(theo Sputnik News, Bloomberg)