Vấn đề an ninh hạt nhân không chỉ là vấn đề của vài quốc gia đơn lẻ mà cần sự chung tay của cộng đồng quốc tế. (Nguồn: NSS 2016) |
Ngày 31/3, Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh Hạt nhân (NSS) lần thứ tư đã khai mạc tại Washington (Mỹ), quy tụ gần 50 nguyên thủ quốc gia và nhiều quan chức cao cấp quốc tế.
Vấn đề Triều Tiên gây chú ý
Trong ngày đầu tiên của hội nghị, vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên là vấn đề được đề cập nhiều nhất. Điều này thể hiện rõ khi Tổng thống nước chủ nhà Barack Obama đã có cuộc hội đàm ba bên với người đồng cấp Hàn Quốc và Thủ tướng Nhật Bản trước khi hội kiến riêng với Chủ tịch Trung Quốc để bàn bạc về vấn đề này.
Tại NSS lần thứ tư và cũng là lần cuối cùng chủ trì hội nghị này trước khi rời nhiệm sở, bên cạnh việc thúc đẩy bảo vệ các vật liệu hạt nhân, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng muốn gây áp lực với Triều Tiên, nước vốn được xem là có trang bị vũ khí hạt nhân.
Sau cuộc họp với đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản, ông Obama nhấn mạnh rằng điều cần thiết hiện này là “thận trọng thực thi các biện pháp an ninh mạnh mẽ của Liên hợp quốc (LHQ)” để chống lại Bình Nhưỡng.
Gần đây, Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu thảo luận việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa của Mỹ (THAAD). Việc này đã làm dấy lên quan ngại tại Bắc Kinh, vốn không hài lòng về viễn cảnh các tên lửa Mỹ đặt ngay trước ngưỡng cửa của họ sẽ khiến cán cân quyền lực ở Thái Bình Dương nghiêng về phía Washington.
Cố vấn hàng đầu của Tổng thống Obama Dan Kritenbrink cho rằng: “Việc triển khai này sẽ không đe dọa đến lợi ích an ninh của Trung Quốc, Nga hay của các nước khác trong khu vực, và sẽ không làm ảnh hưởng đến sự ổn định chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc”.
Bên lề hội nghị, ông Obama cũng đã hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Được xem là một nhân tố chủ chốt để khiến các trừng phạt chống lại Bình Nhưỡng có tác dụng hiệu quả, Mỹ tin rằng Bắc Kinh có thể vận dụng hơn nữa ảnh hưởng của mình đối với Bình Nhưỡng.
Mối đe dọa khủng bố hạt nhân
Bên cạnh vấn đề Triều Tiên, nỗi ám ảnh về việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có được “bom phóng xạ” cũng bao trùm lên hội nghị.
Cuộc họp lần này diễn ra chỉ vài ngày sau khi 32 người bị thiệt mạng và 340 người bị thương trong các vụ nổ bom ở sân bay và nhà ga tàu điện ở thủ đô Brussels (Bỉ). Vụ nổ cho thấy chúng sử dụng bom thông thường. Theo điều tra của lực lượng cảnh sát Bỉ, hai kẻ đánh bom tự sát, Ibrahim và Khalid El Bakraoui, có liên quan đến đoạn băng quay lén dài 10 giờ về các thói quen hàng ngày của một quan chức hạt nhân cấp cao của Bỉ. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng những chiến binh IS có thể có được urani hoặc plutoni và chế tạo được “bom phóng xạ”.
Hơn 50 nguyên thủ quốc gia đã được mời tham dự hội nghị, nhưng sự vắng mặt của các nhà lãnh đạo từ Nga, Triều Tiên, Iran và Belarus thực sự cho thấy các lỗ hổng trên mặt trận cần sự thống nhất tuyệt đối này.
Theo phát ngôn viên Nhà Trắng Ben Rhodes, quyết định không tham dự hội nghị lần này của Nga là một cơ hội bị bỏ lỡ đối với Moscow, bởi họ cũng đang đứng trước các mối đe dọa của riêng họ.
“Việc Nga không tham dự NSS lần này thật đáng tiếc, bởi đây là lĩnh vực mà chúng ta có chung lợi ích. Chúng tôi muốn Nga đàm phán về các vấn đề an ninh hạt nhân”, ông Ben Rhodes cho biết.
Trong nhiều năm qua, nhận thức và hợp tác toàn cầu về an ninh hạt nhân đã tăng lên nhờ một phần vào sáng kiến NSS, bởi nó giúp mở rộng sự đồng thuận của thế giới và đóng vai trò xây dựng thông qua việc bổ sung cho các nỗ lực quốc tế được sự ủng hộ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của LHQ.
Tuy nhiên, tiến trình NSS - vốn bị ảnh hưởng bởi vòng xoay chính trị của Mỹ, cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới và là nước hàng đầu sở hữu các nguyên liệu hạt nhân - lại kết thúc vào thời điểm khi tình hình an ninh hạt nhân thế giới đang trở nên thách thức hơn do ngày càng có nhiều nước sở hữu hạt nhân và sự tràn lan của chủ nghĩa khủng bố.