📞

Dừng xe máy trên cầu nghe điện thoại có bị phạt không?

08:19 | 22/03/2024
Dừng xe máy trên cầu để nghe điện thoại có bị phạt không? Nếu có thì mức phạt là bao nhiêu? – Độc giả Thanh Bình

1. Dừng xe máy trên cầu để nghe điện thoại có bị phạt không?

Khoản 4 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:

- Bên trái đường một chiều;

- Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;

- Trên cầu, gầm cầu vượt;

- Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;

- Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;

- Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau;

- Nơi dừng của xe buýt;

- Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;

- Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;

- Trong phạm vi an toàn của đường sắt;

- Che khuất biển báo hiệu đường bộ.

Như vậy, không được dừng xe máy trên cầu để nghe điện thoại. Nếu dừng xe máy trên cầu để nghe điện thoại thì có thể bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

(Theo điểm d khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

Khi đang lái xe, nếu có nhu cầu sử dụng điện thoại để nhắn tin hoặc gọi điện thì người lái xe phải giảm tốc độ để dừng xe ở nơi cho phép dừng xe, sau đó sử dụng điện thoại để liên lạc. (Đây là một câu hỏi điểm liệt khi thi giấy phép lái xe máy, ô tô)

2. Một số quy định khác về dừng xe, đỗ xe trên đường bộ

- Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác.

- Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian.

- Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:

+ Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;

+ Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;

+ Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó;

+ Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết;

+ Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn;

+ Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái;

+ Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.

(Khoản 1, 2, 3 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008)

3. Hành vi bị nghiêm cấm trong giao thông đường bộ

- Phá hoại đường, cầu, hầm, bến phà đường bộ, đèn tín hiệu, cọc tiêu, biển báo hiệu, gương cầu, dải phân cách, hệ thống thoát nước và các công trình, thiết bị khác thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

- Đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường; để trái phép vật liệu, phế thải, thải rác ra đường; mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính; lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ; tự ý tháo mở nắp cống, tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ.

- Sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép.

- Đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ.

- Thay đổi tổng thành, linh kiện, phụ kiện xe cơ giới để tạm thời đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của xe khi đi kiểm định.

- Đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng.

- Điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy.

- Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

- Điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe theo quy định.

Điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ không có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng.

- Giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ.

- Điều khiển xe cơ giới chạy quá tốc độ quy định, giành đường, vượt ẩu.

- Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008.

- Lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng.

- Vận chuyển hàng cấm lưu thông, vận chuyển trái phép hoặc không thực hiện đầy đủ các quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm, động vật hoang dã.

- Đe dọa, xúc phạm, tranh giành, lôi kéo hành khách; bắt ép hành khách sử dụng dịch vụ ngoài ý muốn; chuyển tải, xuống khách hoặc các hành vi khác nhằm trốn tránh phát hiện xe chở quá tải, quá số người quy định.

- Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô khi không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.

- Bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm.

- Khi có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông.

- Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị nạn và người gây tai nạn.

- Lợi dụng việc xảy ra tai nạn giao thông để hành hung, đe dọa, xúi giục, gây sức ép, làm mất trật tự, cản trở việc xử lý tai nạn giao thông.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp của bản thân hoặc người khác để vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.

- Sản xuất, sử dụng trái phép hoặc mua, bán biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.

- Hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, hành vi khác gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

(Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019)