Mỹ cùng 10 quốc gia khác kích hoạt TIAR đối phó ông Maduro. (Nguồn: EFE) |
Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, dẫn phát biểu của Tổng thống Donald Trump trên trang Twitter, nêu rõ, thủ lĩnh đối lập Venezuela Juan Guaido đã đề nghị kích hoạt TIAR.
Ông Pompeo nhấn mạnh: "Những động thái hiếu chiến gần đây của quân đội Venezuela nhằm triển khai dọc khu vực biên giới với Colombia cũng như sự hiện diện của các nhóm vũ trang bất hợp pháp và các tổ chức khủng bố trên lãnh thổ Venezuela cho thấy ông Maduro không chỉ làm dấy lên mối đe dọa đối với người dân Venezuela mà hành động của ông ấy còn đe dọa cả hòa bình và an ninh của các nước láng giềng".
Trước đó, Hội đồng Thường trực của Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã thông qua việc triệu tập một cuộc họp tham vấn của nhóm các nước ký kết TIAR, thảo luận về cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội tại Venezuela.
Đây được coi là bước đi đầu tiên hướng tới việc kích hoạt các điều khoản TIAR với một loạt các biện pháp để đối phó với một cuộc khủng hoảng tại một quốc gia thành viên, trong đó bao gồm việc cắt đứt quan hệ ngoại giao và lãnh sự, ngừng các hoạt động hợp tác kinh tế, giao thông đường bộ, đường biển, đường hàng không, liên lạc điện tử viễn thông và cuối cùng là hành động can thiệp quân sự.
Ngay sau động thái trên, Chính phủ Venezuela đã lên án hành động của “nhóm các nước trong khu vực nhằm phục vụ lợi ích của Mỹ” này khi có ý định sử dụng đến một công cụ đã từng gây ra nhiều “vết nhơ” trong lịch sử khu vực.
Tuyên bố của Venezuela nêu rõ, TIAR là một cơ chế mà Mỹ áp đặt đối với các nước Mỹ Latin trong thời gian Chiến tranh Lạnh với mục đích hợp pháp hóa các cuộc can thiệp quân sự ở Mỹ Latin vì lý do ý thức hệ.
Chính phủ Venezuela kêu gọi các nước trong khu vực phản đối một cách mạnh mẽ những mối đe dọa đối với hòa bình và toàn vẹn của các dân tộc Mỹ Latin, đồng thời khẳng định, luôn tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, ngoại giao hòa bình và tìm kiếm các giải pháp đối thoại.
TIAR được 19 nước ở Mỹ Latin ký kết năm 1947 với cam kết bảo vệ lẫn nhau giữa các nước trong khu vực dưới học thuyết rằng một cuộc tấn công vũ trang vào một quốc gia thành viên là hành động nhằm vào tất cả các nước còn lại.
Năm 2012, cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã tố cáo đây là một công cụ phục vụ lợi ích của Mỹ và tuyên bố rút nước này khỏi TIAR cùng với Ecuador, Bolivia và Nicaragua.
Tuy nhiên, hồi tháng 7 vừa qua Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido, người tự phong là “Tổng thống lâm thời,” đã ra lệnh đưa nước này quay trở lại hiệp ước.