Được 'xóa lịch sử' số nhiệm kỳ cũ, ông Putin có cơ hội cầm quyền đến năm 2036. (Nguồn: Getty) |
Như vậy, khi sửa đổi Hiến pháp có hiệu lực, quy định một người không thể giữ chức vụ Tổng thống Nga hơn 2 nhiệm kỳ liên tiếp (Khoản 3, Điều 81 trong Hiến pháp) sẽ được áp dụng mà không tính đến số nhiệm kỳ người đó đảm nhận trước đó.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến Duma Quốc gia, nơi đang xem xét thông qua dự luật sửa đổi Hiến pháp lần thứ hai (theo quy định là 3 lần), nói rằng ông ủng hộ sửa đổi như vậy, qua đó sẽ “xóa” số nhiệm kỳ Tổng thống của ông và cho phép ông tham gia các cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị Tòa án Hiến pháp ra quyết định về tính hợp pháp của sửa đổi.
Hồi cuối tháng 2, Trợ lý cũ của ông Putin, Vladislav Surkov đã đề cập đến khả năng “xóa” các nhiệm kỳ của Tổng thống Putin. Trong một cuộc phỏng vấn với Giám đốc Trung tâm kết hợp chính trị Alexei Chesnakov, ông Surkov nói rằng nếu quyền hạn của nguyên thủ quốc gia được quy định rõ trong Hiến pháp, thì logic luật pháp sẽ dẫn đến việc cần phải “xóa” nhiệm kỳ của Tổng thống. Điện Kremlin sau đó đã gọi phát biểu của ông Surkov là “ý kiến cá nhân của một công dân”.
Viết trên trang cá nhân VKontakte, Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng, nếu Tòa án Hiến pháp xác nhận những sửa đổi này không vi phạm Luật cơ bản và được người dân Nga ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu toàn liên bang, điều này cũng đồng nghĩa với việc duy trì sự ổn định trong quá trình phát triển của nước Nga.
Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Medvedev nhấn mạnh, “điều này cực kỳ quan trọng đối với Tổ quốc chúng ta trong thời kỳ hiện nay".