📞

Đương đầu với nguy cơ bất ổn kinh tế

12:21 | 30/05/2008
Tạp chí Kinh tế Viễn Đông số tháng 5/2008 đã đăng bài viết của Jonathan Pincus, kinh tế trưởng Liên hợp quốc và Vũ Thành Tự Anh, chuyên gia kinh tế chương trình Việt Nam của Đại học Harvard. Các nhà kinh tế trên cũng là đồng tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về kinh tế Việt Nam, trong đó có chuyên đề Lựa chọn thành công. TG&VN xin trích giới thiệu cùng bạn đọc.

Những tháng gần đây, nhiều vết rạn khá nghiêm trọng bắt đầu xuất hiện trong hệ thống tài chính và kinh tế của Việt Nam (VN), đe dọa khả năng tăng trưởng. Sự tuột dốc bất ngờ này đang gây lo ngại về sự ổn định của hệ thống tài chính, nếu như tình hình còn xấu thêm. Điểm nhấn lạc quan là các chỉ số cơ bản của kinh tế vĩ mô vẫn còn vững chắc. VN không nợ quá nhiều, tăng trưởng xuất khẩu mạnh và Ngân hàng Nhà nước đã tăng được dự trữ ngoại tệ đáng kể trong năm qua. VN cũng hội nhập ít hơn so với nhiều nước trong khu vực nên không chịu sức ép lớn từ khủng hoảng cầm cố nhà đất Mỹ. Bởi thế, Chính phủ có thể phục hồi sự ổn định tương đối nhanh chóng bằng cách thắt chặt kiểm soát chi tiêu công và tiền vay của doanh nghiệp nhà nước. Song, dù bước đi khá đơn giản, nhưng rất khó để thực hiện thành công do bất cập trong cách điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước.

Nhiều người ở VN hiểu được nguyên nhân gây bất ổn kinh tế hiện nay và các bước cần thiết để giảm lạm phát, ổn định thị trường. Các vấn đề VN đang gặp phải không quá phức tạp hoặc không thể giải quyết được. Nhưng các cơ quan quản lý lại phân quyền quá tản mạn, nên rất khó để thực hiện được giải pháp đồng bộ. Tản mạn ở chỗ: chính sách tiền tệ là nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước, nhưng Bộ Tài chính lại kiểm soát lạm phát. Chính sách tiền tệ cũng do Uỷ ban Tài chính và Chính sách Tiền tệ Quốc gia giám sát, gồm các quan chức chuyên môn và đại diện các cơ quan chính phủ khác. Trong khi Bộ Tài chính đề ra chính sách thuế và chi tiêu ngân sách thì đầu tư lại do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện. Trong khi đó, các tập đoàn kinh tế lại báo cáo trực tiếp với Thủ tướng, không qua các Bộ.

Khép các tập đoàn kinh tế vào khuôn khổ

Vào đầu những năm 1990, lo lắng vì hoạt động kém hiệu quả của các công ty nhà nước khiến chính phủ quyết định thành lập các tổng công ty và tập đoàn kinh tế với ý định ban đầu là quy mô lớn sẽ giúp các công ty cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Khi chuyển đổi sang cơ chế thị trường, các công ty này lại tập trung vào xây dựng quyền lực ở thị trường nội địa trong các lĩnh vực dễ thu nhiều lợi nhuận như kinh doanh bất động sản, dịch vụ tài chính, viễn thông và du lịch. Chính phủ gần đây đã tỏ ra cương quyết hơn với các tập đoàn. Trong một cuộc gặp với lãnh đạo các tập đoàn để bàn về chống lạm phát, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói mặc dù các tập đoàn kinh tế chiếm 60% nợ ở các ngân hàng thương mại và 70% vốn vay nước ngoài, nhưng họ lại chỉ tạo ra có 40% GDP. Tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam cũng đã yêu cầu các tổng công ty và tập đoàn kinh tế phải đầu tư ít nhất 70% vốn vào ngành kinh doanh chính. Nhưng phản ứng của các tập đoàn kinh tế cho thấy đưa họ vào khuôn khổ không dễ. Chủ tịch PetroVietnam Đinh La Thăng cho rằng đây là biện pháp sốc và nói: “Nếu các tập đoàn, DNNN kinh doanh các lĩnh vực ngoài ngành có chiếm đến 40% hay 50%, nhưng lợi nhuận họ thu được tốt thì không thể bắt họ rút về, có thể gây đổ vỡ doanh nghiệp”.

Chia sẻ lợi ích

Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về thành tích xóa đói giảm nghèo, giáo dục cơ sở và cải thiện những chỉ số cơ bản như tỷ lệ chết ở trẻ sơ sinh và tiếp cận nguồn nước sạch. Nhưng VN phụ thuộc nhiều vào tiền ngân sách cho y tế và giáo dục. Chi tiêu công cho y tế ở hàng thấp thứ hai trong khu vực, sau Indonesia. Theo một điều tra mới đây của UNDP, 45% tiền chi trả cho y tế thuộc về 1/5 dân số là những người giàu nhất. Phần chi trả từ nhóm người nghèo nhất chỉ chiếm 7%. Chênh lệch này trong giáo dục tương ứng là 35% và 15%.

Chất lượng giáo dục và y tế ở Việt Nam là điều đáng lo ngại. Intel đã gây nên một cú sốc khi tuyên bố rằng sau khi kiểm tra 2.000 sinh viên từ 5 trường đại học công nghệ hàng đầu, chỉ có 40 sinh viên đạt tiêu chuẩn tối thiểu của họ. Intel nói đây là nước đạt chuẩn thấp nhất trong số những nước mà hãng này đã đến. Thật dễ hiểu vì sao các gia đình VN phải tiêu tốn tới 1 tỷ USD một năm cho con cái du học. Hệ thống trong nước không đáp ứng được như cầu về chất lượng, thậm chí với cả những người đủ tiền chi trả.

Cải cách kinh tế ở VN đã vượt quá mong đợi của nhiều nhà quan sát. Tăng trưởng xuất khẩu lên tới 20% mỗi năm, tạo việc làm ổn định cho hàng triệu người ở nông thôn. Các doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài tạo hầu hết số việc làm mới trong 7 năm qua. Nhưng những ngành này có lợi nhuận thấp, nhiều doanh nghiệp nhà nước đói vốn, tập trung vào khai thác tài nguyên và phục vụ thị trường trong nước. Nhiều doanh nghiệp Nhà nước sử dụng phần lớn vốn vay từ ngân hàng quốc doanh và bắt đầu vay tiền nước ngoài, dùng lợi thế quan hệ để đổ tiền vào thị trường tài chính và bất động sản nhiều lợi nhuận. Dù số liệu về họ còn rất thiếu, tỷ lệ lợi nhuận thấp hơn nhiều so với lĩnh vực tư nhân và đầu tư nước ngoài. Đáng lo ngại hơn là các tập đoàn bắt đầu lập ngân hàng. Các nước đang phát triển có đầy ví dụ về mâu thuẫn lợi ích trong các doanh nghiệp lập ngân hàng, dẫn đến các khoản vay thiếu thận trọng trong tập đoàn với nhau, dẫn đến mất kiểm soát tiền tệ và bất ổn tài chính.

Chỉ thắt chặt tiền tệ thì chưa đủ

Lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô của VN là hệ quả của những vấn đề dài hạn. Chỉ thắt chặt tiền tệ thì chưa đủ. Tăng lãi suất mà không giảm thâm hụt ngân sách có thể làm nguội nhóm công ty tư nhân nhỏ, nhưng không tác động mấy đến các tập đoàn kinh tế vay vốn từ ngân hàng quốc doanh với lãi suất ưu đãi hoặc từ nước ngoài. Chính phủ không thể giảm lạm phát cho tới khi kiểm soát được đầu tư công và đưa các tập đoàn kinh tế quốc doanh vào vòng kỷ luật.

Những người quan sát VN lâu năm lưu ý rằng các nhà làm chính sách VN thường có cách lắp ráp các giải pháp có tác dụng thực tế vào với nhau trong giai đoạn khó khăn. Thường bắt đầu bằng những cách làm “xé rào”, không tuân theo luật và sau đó được đưa thành chính sách chính thức. Cung cách này có thể giúp VN vượt qua giai đoạn bất ổn này. Việc “xé rào” bây giờ nằm ở việc các tập đoàn kinh tế đầu tư vào ngân hàng và xây dựng bất động sản. Thay vì cấm đoán việc này, Chính phủ phải kiểm soát nó. Việc tự do tài chính rất rủi ro khi thiếu hành lang quản lý minh bạch và thực thi đáng tin cậy. Việc quản lý, kiểm soát các nhóm lợi ích khác nhau sẽ trở thành thách thức với lãnh đạo Việt Nam trong thời gian tới.

Phong Nhi (gt)