Thất bại của tuyển nữ Việt Nam trước Thái Lan tại SEA Games 27 sẽ là bài học quý. |
Gần như trong suốt một năm qua, cụm từ “World Cup” đã được giới chuyên môn và người hâm mộ nhắc đến rất nhiều, bởi chưa bao giờ cơ hội đến với vòng chung kết (VCK) giải vô địch bóng đá nữ tại Canada lại đến gần bóng đá nữ Việt Nam như thế, nhất là khi chúng ta sẽ là chủ nhà của VCK Asian Cup 2014, nơi quyết định suất thứ 5 tham dự World Cup dành cho châu Á.
Tâm lý vẫn là rào cản không dễ vượt qua
Thực tế SEA Games 27 đã chứng minh rằng, cánh cửa World Cup gần như đã mở khá rộng với chúng ta, nhưng đôi khi vẫn còn xa, nếu thẳng thắn nhìn vào những vấn đề còn tồn tại, trong đó nổi cộm nhất là yếu tố tâm lý.
Giải vô địch Đông Nam Á 2013 (nơi tuyển nữ Việt Nam vô địch), SEA Games 27, Asian Cup 2014 và World Cup – đó dường như sẽ là con đường được rải hoa hồng với bóng đá nữ Việt Nam cho một lộ trình hướng tới World Cup 2015 tại Canada. Tuy nhiên, đó lại là hoa hồng nhiều gai và ngay từ những bước đi đầu tiên, đội tuyển nữ đã vấp phải “kẻ ngáng đường” quen thuộc - đó là Thái Lan, đội bóng vừa vượt qua Việt Nam để giành tấm HCV SEA Games 27.
Khoan hãy nói đến vấn đề chuyên môn. Trong trận chung kết với đối thủ “truyền kiếp” này, các tuyển thủ của chúng ta có thể lép vế trong một vài tình huống, chứ không hề thua kém về mặt thế trận. Nhưng, có một vấn đề không được nhiều người đề cập, đó chính là rào cản tâm lý.
Có một thực tế rất khó lý giải và dễ nhận thấy nhất là các vận động viên của chúng ta (không chỉ ở môn bóng đá), luôn tỏ ra “sợ hãi” mỗi khi đối đầu với “người hàng xóm” Thái Lan. Năm ngoái, đội tuyển quốc gia thua đội hình 2 của Thái Lan ở AFF Cup, U23 Việt Nam ở SEA Games năm nay nếu có gặp U23 Thái chắc cũng sẽ “đi”, rồi chúng ta luôn bị lép vế ở nhiều môn khác nữa (bóng chuyền, cầu mây)...
Tại SEA Games 27 vừa rồi, thất bại của hai đội bóng futsal nam/nữ quốc gia đã vô tình khiến cả nghìn cân sức ép dồn về trận chung kết cuối cùng giữa tuyển bóng đá nữ Việt Nam và Thái Lan, với hy vọng cuối cùng là chúng ta sẽ có một tấm HCV ở môn thể thao vua. Điều đó đã khiến không ít gương mặt mới trong đội hình trẻ hóa của HLV Trần Vân Phát, những người chưa từng đối mặt trong sự nghiệp với một đối thủ mà Ban huấn luyện luôn xác định là cân tài cân sức như đội tuyển Thái Lan, rơi vào trạng thái căng cứng về tâm lý để rồi tuyển nữ của chúng ta đánh rơi vàng ở Mandalay.
Cần biết đứng lên sau cú vấp ngã
Sau thất bại tại trận chung kết, thủ môn Kiều Trinh chia sẻ: “Tôi khóc không phải vì đội nhà thua trong ngày sinh nhật của tôi, mà vì chúng tôi đã không đáp lại được sự kỳ vọng của người hâm mộ”. Điều này cho thấy sự kỳ vọng quá lớn của người hâm mộ đã vô tình trở thành áp lực không nhỏ đối với các tuyển thủ, dù Kiều Trinh là cầu thủ trụ cột của đội tuyển trong 10 năm qua và từng được bình chọn là cầu thủ xuất sắc nhất Đông Nam Á.
Dù gì thì trận thua Thái Lan đã cho chúng ta những bài học. Những phút sau bàn thắng mở tỷ số của Minh Nguyệt, đội tuyển dường như đá chùng xuống và có những thời điểm để mất tập trung. Còn nhớ, sau trận thắng 4-0 của tuyển nữ Việt Nam trước Malaysia ở trận bán kết, ông Trần Vân Phát đã tỏ rõ sự không hài lòng về thái độ thi đấu có phần chủ quan của các học trò. Rất tiếc, trong trận chung kết gặp Thái Lan, có vẻ như thái độ thi đấu đó của các tuyển thủ nữ tái hiện. Vậy là, trong khi chúng ta đang ngất ngây với khả năng đi World Cup thì Thái Lan lại mang đến một bài học: Cần phải biết mình, biết người và muốn đi xa, phải có sự quan tâm và đầu tư thiết thực chứ không chỉ chờ thành công rồi tung hô.
Xét cho cùng, một trận thua cũng chỉ là tai nạn chứ chưa phải là tai họa, và chúng ta tin rằng các cô gái Việt Nam có đủ bản lĩnh để chấp nhận nó và biết đứng lên sau cú vấp ngã này. Vẫn đề quan trọng bây giờ là động viên các cô gái của chúng ta nhanh chóng quên đi thất bại đó, chuẩn bị tâm lý vững vàng để đối mặt với sức ép còn lớn hơn nhiều ở VCK Asian Cup 2014, giải đấu mà chúng ta đặt quyết tâm giành tấm vé tới Canada vào năm sau.
Trong thể thao, tâm lý luôn là bài toán khó. Vì thế, nếu có thể, hãy cùng đi tìm lời giải cho bài toán này bằng sự tin tưởng và đồng hành một cách tích cực với các tuyển thủ thay vì tạo thêm những áp lực vô hình. Đây có lẽ là một trong những nhiệm vụ của báo giới, người hâm mộ, các nhà tài trợ và những người quản lý bóng đá.
XUÂN HỒNG