📞

Đường vào NATO: Thụy Điển tin sẽ sớm được Thổ Nhĩ Kỳ 'gật đầu', Đức tặng 'liều thuốc' tinh thần

Hà Thu 16:01 | 16/03/2023
Ngày 15/3, tại Berlin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đón tiếp người đồng cấp Thụy Điển Ulf Kristersson và thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có việc quốc gia Bắc Âu này và Phần Lan gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson (phải) và người đồng cấp Đức Olaf Scholz gặp nhau tại Berlin, Đức, ngày 15/3.

Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận sâu về xung đột ở Ukraine, những tác động đối với an ninh khu vực, cũng như hợp tác an ninh và quân sự và chính trị chặt chẽ hơn giữa Đức-Thụy Điển.

Thủ tướng Đức nhấn mạnh, Berlin và Stockholm là những người bạn và đối tác thân thiết trên bình diện song phương, trong khuôn khổ Liên minh châu Âu (EU) và quốc tế.

Ông Scholz hoan nghênh sự hỗ trợ của Thụy Điển cũng như cam kết của Stockholm chuyển giao các bộ phận cho hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T và xe tăng hiện đại Leopard-2 cho Ukraine, đồng thời tái khẳng định sự đoàn kết và ủng hộ của phương Tây dành cho Kiev trong cuộc xung với Nga,

Về vấn đề gia nhập NATO, theo ông, việc hai quốc gia vùng Scandinavia trở thành thành viên của liên minh quân sự này sẽ mang lại lợi ích to lớn đối với an ninh của toàn châu Âu và đây là lý do Đức tích cực thúc đẩy tiến trình này.

Bên cạnh đó, Thủ tướng hai nước cũng thảo luận về cải cách nhằm củng cố EU và việc mở rộng thành viên đối với các quốc gia phía Tây Balkan cũng như Ukraine, Moldova và trong tương lai là Gruzia.

Thụy Điển và Phần Lan cùng nộp đơn xin gia nhập NATO sau khi xung đột quân sự nổ ra tại Ukraine hồi cuối tháng 2 năm ngoái. Đến nay, nguyện vọng này của hai quốc gia Bắc Âu đã được 28/30 quốc gia thành viên NATO phê chuẩn, chỉ còn Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vẫn chưa nhất trí.

Về phần mình, ông Kristersson bày tỏ tin tưởng rằng, Ankara sẽ chấp thuận để Stockholm gia nhập NATO sau cuộc bầu cử vào tháng 5 tới tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Thủ tướng Kristersson, Thụy Điển mong muốn được trở thành thành viên NATO đồng thời với Phần Lan, tuy nhiên do sự dè dặt của Ankara, việc gia nhập của Stockholm có thể phải diễn ra sau Helsinki.

Giới truyền thông nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ muốn phê chuẩn trường hợp của Phần Lan trước cả cuộc bầu cử vào tháng 5 tới, tuy nhiên trường hợp của Thụy Điển lại phức tạp hơn.

Ankara lâu nay vẫn chỉ trích Thụy Điển cung cấp nơi trú ẩn cho các phần tử cực đoan người Kurd và không ngăn chặn các đối tượng có những biểu hiện công khai bài đạo Hồi.

Trong khi đó, ngày 14/3, đảng Fidesz cầm quyền ở Hungary thông báo tin muốn hoãn phiên họp Quốc hội vốn sẽ diễn ra vào ngày 20/3, phiên họp dự kiến sẽ phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển.

(theo DW, Anadolu)