Elon Musk vừa quyết định "khai tử" biểu tượng chim xanh của Twitter sau khi đưa ra ý tưởng về việc sẽ thay đổi biểu tượng của mạng xã hội này vài ngày trước đó. Giờ đây, khi người dùng khi truy cập vào Twitter sẽ thấy biểu tượng "X" màu đen.
Quá trình thay đổi logo của Twitter từ trước đến nay. Logo "X" của Elon Musk không hề liên quan gì đến những logo chim xanh trước đây. |
Đây là lần đầu tiên Twitter thay đổi biểu tượng mà không liên quan đến chú chim màu xanh kể từ khi thành lập năm 2006. Sở dĩ mạng xã hội này gắn liền với biểu tượng chú chim ngay từ khi mới thành lập là vì Twitter có nghĩa "tiếng hót líu lo" trong tiếng Anh, còn những đoạn thông điệp đăng trên Twitter được gọi là "tweet" (nghĩa là "tiếng riu ríu của chim non" trong tiếng Anh).
Trong tháng 4/2023, Elon Musk đã thực hiện cải tổ quan trọng khi đưa Twitter trở thành một công ty con thuộc sở hữu của tập đoàn X Holdings Corp do ông thành lập và làm chủ. Giờ đây, Elon Musk quyết định đổi biểu tượng của Twitter trở thành "X".
Vào tháng 10/2022, Musk đã chi ra 44 tỷ USD để thâu tóm Twitter và biến mạng xã hội trở thành công ty tư nhân. Điều này giúp cho ông nắm toàn bộ quyền kiểm soát Twitter và có thể tùy ý thực hiện các thay đổi đối với mạng xã hội này, thay vì phải thông qua ý kiến của ban quản trị như khi Twitter còn là công ty đại chúng.
Biểu tượng "X" được chiếu sáng trên trụ sở chính của Twitter tại thành phố San Francisco. |
Nhiều người cho rằng Elon Musk đang muốn xóa bỏ toàn bộ "tàn dư" trước đây của mạng xã hội Twitter để tạo nên những thứ hoàn toàn mới.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Elon Musk đang gặp khá nhiều khó khăn, khi nguồn doanh thu từ quảng cáo của Twitter đang bị sụt giảm mạnh vì một số nhãn hàng cắt giảm chi tiêu quảng cáo trên Twitter.
Ngoài ra, Twitter dường như cũng đang dần mất khả năng kiểm soát các nội dung được chia sẻ trên nền tảng mạng xã hội này, khiến những nội dung giả mạo, tiêu cực, phân biệt chủng tộc… xuất hiện ngày một nhiều.
Điều đáng chú ý chính là đầu tháng này, Meta (công ty mẹ của Facebook và Instagram) cũng đã cho ra mắt một nền tảng mạng xã hội Threads, với giao diện cũng như cách thức hoạt động giống Twitter.
Lượng người dùng nền tảng Threads đã tăng vọt một cách nhanh chóng, trong đó không ít người dùng Twitter đã chuyển sang sử dụng Threads vì cảm thấy chán nản với cách thức điều hành của Elon Musk.