📞

Ethiopia: Đất nước có thể 'quay ngược thời gian', sắp đón năm mới 2017

09:00 | 23/06/2024
Theo CNN, ngày 11/9 tới, người dân Ethiopia sẽ kỷ niệm thời khắc chuyền giao giữa năm cũ và năm mới.
Ở Ethiopia, một năm có tới 13 tháng. (Nguồn: Project-E)

Điều đáng chú ý là, khi quốc gia Đông Phi này bước sang năm mới trong vài tháng nữa thì về mặt kỹ thuật đó sẽ là năm 2017 - theo lịch của người Ethiopia.

Vậy đâu là lý do khiến quốc gia đông dân thứ hai ở châu Phi lại “đi sau” phần lớn thế giới? Và điều đó ảnh hưởng thế nào đến người dân Ethiopia khi họ đang sống trên một hành tinh ngày càng kết nối với nhau?

Câu trả lời nằm ở những truyền thống có từ nhiều thế kỷ trước và ý thức về bản sắc dân tộc.

Tại Ethiopia, năm sinh của Chúa Giêsu được công nhận muộn hơn 7 hoặc 8 năm so với lịch Gregorian, hay lịch “phương Tây”, do Giáo hoàng Gregory XIII đưa ra vào năm 1582.

Theo các chuyên gia, Nhà thờ La Mã đã điều chỉnh cách tính của mình vào năm 500 CN, trong khi Nhà thờ Chính thống Ethiopia chọn cách giữ nguyên niên đại cổ xưa. Do vậy, phần lớn thế giới tiếp tục áp dụng lịch Gregorian, nhưng Ethiopia vẫn giữ nguyên lịch của riêng mình.

Lịch của nước này được cho có từ hơn 1.500 năm trước, dựa trên hệ Mặt trời - Mặt trăng, dài 13 tháng, trong đó 12 tháng kéo dài 30 ngày.

Tháng cuối cùng chỉ có 5 ngày, hoặc 6 ngày trong năm nhuận. Năm mới tại Ethiopia được tổ chức vào tháng 9, khi hoa Adey Abeba bản địa bung nở. Trong khi đó, ngày 1/1 năm mới của lịch Gregorian lại không mang nhiều ý nghĩa đối với Ethiopia bởi nó rơi vào mùa khô.

Khách du lịch đến thăm quốc gia này thường sửng sốt khi biết rằng họ đã “quay ngược thời gian”.

Do các doanh nghiệp và trường học quốc tế có trụ sở tại Ethiopia có xu hướng tuân theo lịch Gregorian, nhiều người Ethiopia không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng đồng thời cả lịch truyền thống của Ethiopia và lịch phương Tây.

(theo TTXVN)