Những người tham gia cuộc biểu tình chống lại bạo lực đối với phụ nữ ở Brussels, Bỉ vào năm 2021. (Nguồn: Brussels Times) |
Mới đây, Hội đồng châu Âu đã ủng hộ đạo luật đầu tiên của khối nhằm chống bạo lực đối với phụ nữ và theo quy định, các quốc gia thành viên EU sẽ có 3 năm để đưa luật này thành luật quốc gia.
Luật đã hình sự hóa hành vi rình rập, quấy rối trên mạng và kích động hận thù hoặc bạo lực trên mạng trên toàn EU, đồng thời đặt ra mức án từ 1-5 năm tù giam, tùy thuộc vào tội danh. Nếu nạn nhân là con cái, vợ/chồng hoặc vợ/chồng cũ thì hình phạt có thể nghiêm khắc hơn.
Luật mới cũng bao gồm các biện pháp ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực gia đình, đồng thời đặt ra các tiêu chuẩn để bảo vệ nạn nhân của những tội ác này.
Các quốc gia thành viên cũng sẽ phải đảm bảo rằng bằng chứng liên quan đến hành vi tình dục trong quá khứ của nạn nhân chỉ được phép sử dụng trong tố tụng hình sự khi phù hợp và cần thiết.
Theo bà Marie-Colline Leroy (Ecolo), Quốc vụ khanh Bỉ về Bình đẳng giới, động thái này là một "thời khắc đột phá trong việc thúc đẩy quyền của phụ nữ".
Bà khẳng định: “Sự bình đẳng thực sự chỉ có thể xảy ra khi phụ nữ có thể sống mà không sợ bị quấy rối, tấn công bạo lực hay tổn hại về thể xác. Luật này là một bước quan trọng để biến điều này thành hiện thực”.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bình đẳng của Tây Ban Nha Ana Redondo thừa nhận bà muốn các quy tắc "tham vọng hơn", song việc ban hành đạo luật như vậy đã là "điểm khởi đầu tốt".
Cho rằng bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực gia đình "là một tội ác dai dẳng", Bộ trưởng Tư pháp Bỉ Paul Van Tigchelt cho biết: “Luật này sẽ đảm bảo trên toàn EU rằng những kẻ phạm tội sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc và các nạn nhân sẽ nhận được mọi sự hỗ trợ mà họ cần”.
Một cuộc khảo sát trên toàn EU cho thấy, cứ ba phụ nữ ở EU thì có một người từng bị bạo hành thể xác hoặc tình dục, hầu hết do bạn tình gây ra, trong khi một nửa số phụ nữ từng bị quấy rối tình dục.