Động thái này có thể làm dấy lên một tranh chấp xuyên Đại Tây Dương.
EC phác thảo ra 3 phương án về thuế nhằm vào các công ty Internet, có thể được thông qua khá nhanh chóng ở cấp độ Liên minh châu Âu (EU) hay bởi một nhóm nhỏ hơn trong các nước EU. Phương án thứ nhất là triển khai một loại thuế đánh vào doanh thu hơn là vào lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghệ số. Một phương án khác là tính thuế đối với các quảng cáo trực tuyến.
Ảnh minh họa: Facebook cũng là một trong những doanh nghiệp trực tuyến sẽ bị EU tăng thuế. (Nguồn: Reuters) |
Trong chiều hướng dài hạn hơn, EU muốn thay đổi các quyền về thuế vụ hiện hành để đảm bảo rằng các doanh nghiệp công nghệ số có những cơ sở hoạt động rộng lớn song không “hiện diện trực tiếp” tại một quốc gia sẽ đóng thuế tại chính nước đó, thay vì được phép chuyển lợi nhuận sang những nơi có mức thuế suất thấp.
Động thái này của EU nhiều khả năng sẽ tác động tới Mỹ và các quốc gia giàu khác, đang là nơi "đóng đô" của nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn. Một số doanh nghiệp Mỹ được nêu danh như Amazon hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, mạng xã hội Facebook, doanh nghiệp giải trí trực tuyến Netflix và Airbnb.
Hiện một số nước lên tiếng phản đối các loại thuế này, nhất là nếu việc đó được triển khai mà không có một thỏa thuận mang tính toàn cầu.
Báo cáo sơ bộ của EC cho biết tính trung bình, các công ty đa quốc gia mở cửa hàng thực sự nộp thuế tại EU cao hơn gấp hai lần các đối thủ công nghệ số. Doanh thu trong giai đoạn 2008-2016 của lĩnh vực bán lẻ EU tăng trung bình 1%/năm, so với mức tăng doanh thu của năm nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu trong cùng kỳ là 32%/năm.