Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu, Nga đang hồi sinh mạnh mẽ và không còn chịu sự ràng buộc của Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), EU cần có một “Quân đội châu Âu thực thụ” để bảo vệ mình khi cần thiết.
Song đó chưa phải là tất cả. Cả hai nhà lãnh đạo này đều nhận thấy rằng kể từ khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, quan hệ Washington - Brussels xấu đi trông thấy và chiếc ô hạt nhân từng bảo vệ châu Âu kể từ Thế chiến II có thể bị nhổ lên bất cứ lúc nào.
Bởi vậy, trong vài tháng qua, ông Macron đã nhiều lần đề cập tới ý tưởng thành lập Quân đội châu Âu, bao gồm 27 nước thành viên. Tách khỏi NATO, sẽ cho phép quân đội châu Âu độc lập hơn trong chiến lược của mình, như cách mà châu Âu “cầm cự” trong Thế chiến II trước khi Mỹ tham chiến.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã hướng ứng lời kêu gọi một “Quân đội châu Âu thực thụ” của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: AP) |
Tương tự, phát biểu ngày 13/11 trong buổi họp Nghị viện châu Âu tại Strasbourg (Pháp), Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố ủng hộ bước đi táo bạo này và cho rằng “Khoảng thời gian mà chúng ta phải phụ thuộc vào người khác giờ đã là quá khứ.” Nhà lãnh đạo này cho rằng sự thành lập của một Quân đội châu Âu có thể làm nền tảng để đẩy mạnh hợp tác của EU trong vấn đề di cư, biến đổi khí hậu và chống khủng bố.
Song từng đó liệu có đủ để EU một mình đương đầu trước sóng gió mà không có Mỹ? Lịch sử đã chứng minh rằng chỉ có sát cánh cùng Mỹ, EU mới đủ sức đương đầu với những cuộc chiến khốc liệt và căng thẳng mà lục địa này từng trải qua như Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, thứ Hai hay Chiến tranh Lạnh.
Thêm vào đó, Michael Shurkin, nhà chính trị học thuộc Tập đoàn RAND của Mỹ, nhận định rằng trong số các nước châu Âu, chỉ có Pháp và Anh là thường xuyên triển khai quân đội tham gia chiến tranh, với phần nhiều đơn vị trong số đó được xây dựng để hợp tác và triển khai cùng Quân đội Mỹ. Ở những lần tham chiến gần đây tại Libya và Mali, quân đội Pháp phụ thuộc nhiều vào Mỹ trong việc nạp nhiên liệu máy bay chiến đấu, hệ thống cảnh báo sớm và các chiến dịch then chốt khác. Chính sự an tâm đến từ Mỹ là lý do các nước EU liên tục cắt giảm ngân sách quốc phòng trong nhiều năm liền và đảo ngược điều này là không hề dễ dàng.
Đó là chưa kể đến sự phản đối quyết liệt từ phía Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng ý tưởng của nhà lãnh đạo Pháp xúc phạm Washington và nếu như không có Quân đội Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai thì có lẽ người Pháp đã phải học tiếng Đức. Thêm vào đó, việc thành lập Quân đội châu Âu tách biệt khỏi NATO sẽ khiến tầm ảnh hưởng và lợi ích của Mỹ tại châu Âu bị tổn hại nghiêm trọng. Bởi vậy, không quá bất ngờ khi Washington khăng khăng chống lại ý tưởng này. Đây sẽ là rào cản lớn mà EU cần phải vượt qua nếu như muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ và xây dựng vị thế chiến lược độc lập cho toàn khối.