Tổng thống Ukraine Zelensky và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen trao cờ trong cuộc họp giao ban chung ở Kiev, 2/2023. (Nguồn: EPA) |
Tờ Financial Times dẫn nguồn tin ngoại giao châu Âu cho biết, các nước thành viên EU đang xem xét khả năng tước quyền bỏ phiếu của Hungary nhằm đạt được thỏa thuận phân bổ kinh phí cho Ukraine.
Theo họ, EU có thể áp dụng Điều 7 của Hiệp ước 2007 về việc cho phép tước quyền bỏ phiếu của một quốc gia vì vi phạm luật pháp châu Âu. Quá trình này có thể bị chặn bởi bất kỳ thành viên EU nào khác, tuy nhiên, như tờ báo lưu ý, sau cuộc bầu cử gần đây ở Ba Lan, trong EU “không còn người bảo vệ đảm bảo” cho Hungary nữa.
Mặc dù vậy, một số thành viên trong cộng đồng vẫn cảnh giác với ý tưởng áp đặt các hạn chế đối với Budapest. Thay vào đó, họ có ý định chứng minh cho Thủ tướng Hungary Viktor Orban thấy “cái giá thực sự” của việc đất nước này bị cô lập trong EU, để buộc Hungary phải thay đổi quan điểm về việc phân bổ vốn cho Ukraine.
Tờ báo viết, nếu chiến thuật này không hiệu quả, 26 quốc gia trong hiệp hội có thể ký kết thỏa thuận hỗ trợ Kiev mà không có sự tham gia của Hungary, nhưng điều này sẽ mất nhiều thời gian hơn và “sẽ chỉ là giải pháp tạm thời”.
Ngày 15/12, ông Orban cho biết, Budapest không có ý định ủng hộ việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho Ukraine từ ngân sách EU. Ông xác nhận, tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, ông đã ngăn chặn việc sửa đổi ngân sách cộng đồng nhằm phân bổ 50 tỷ Euro cho Ukraine trong giai đoạn 2024-2027.
Trong khi đó, tại Hội nghị thượng đỉnh hôm 14/12, về phía Kiev, Tổng thống Zelensky và các nhà lãnh đạo EU đã quyết định để khởi động đàm phán về tư cách thành viên chính thức với Ukraine.
Ông Zelensky nêu rõ: “Trong những ngày tới, cùng với EC, chúng tôi sẽ chính thức ra mắt quá trình đánh giá luật pháp của Ukraine để phù hợp với luật pháp EU - đây là quá trình sàng lọc. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị khuôn khổ đàm phán cho Ukraine. Chúng tôi hy vọng khuôn khô được thiết lập vào mùa Xuân”.
Trước đó, EC hồi tháng 11 cho biết, Ukraine đã hoàn thành 4 trong số 7 khuyến nghị của mình, bao gồm chỉ định các quan chức chống tham nhũng, chuẩn bị cho việc sửa đổi tư pháp và sắp xếp luật truyền thông với các tiêu chuẩn của EU.
Ngoài ra, EC cho biết sẽ đánh giá sự tiến bộ của Ukraine một lần nữa vào tháng 3/2024, một phần của "một con đường dài và phức tạp" hướng tới tư cách thành viên, quá trình mà Đại sứ của EU tại Ukraine Katarina Mathernova đã mô tả là "vô cùng mệt mỏi".