Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chào đón Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel tại Điện Elysee, Paris, Pháp, ngày 16/5. (Nguồn: AP) |
Phát biểu trước Hội đồng kinh tế và xã hội của EU ở Brussels, Bỉ, ông Michel cho biết đã bắt đầu tham khảo ý kiến của các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên về chủ đề trên và sẽ đưa vào chương trình nghị sự tháng 6 của Hội đồng châu Âu.
Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu, dự án này sẽ đặc biệt hữu ích đối với những quốc gia muốn gia nhập EU, song đồng thời cũng cảnh báo rằng “không có gì đảm bảo rằng một ngày nào đó những nước tham gia sẽ là thành viên của EU”.
Ông Michel sẽ đề xuất tổ chức một hội nghị vào mùa Hè, tại đó quy tụ các nhà lãnh đạo EU và các nước đối tác liên quan, để thảo luận về những lựa chọn cụ thể của dự án chung mới này.
Chủ tịch Michel khuyến nghị các cuộc họp của nguyên thủ quốc gia hoặc chính phủ các nước tham gia cộng đồng chính trị diễn ra “ít nhất hai lần một năm” và sự tham gia của các ngoại trưởng các nước ứng cử viên tại các cuộc họp của những người đồng cấp EU.
Theo ông, tiến trình đàm phán mở rộng đang kéo dài vì nhiều lý do, nhưng vẫn cần phải thúc đẩy quá trình nhanh hơn, từng bước và có thể đảo ngược. Ông giải thích: “Giải pháp sẽ là tích hợp dần dần và từ từ” để khuyến khích cải cách.
Dự án Cộng đồng chính trị châu Âu được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gợi ý hồi đầu tháng 5 trước Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, từ ý tưởng được cố Tổng thống Pháp François Mitterrand đưa ra vào năm 1989 với việc thành lập một Liên đoàn tiên tiến của châu Âu.
Số lượng quốc gia ứng cử viên gia nhập EU đang tăng lên. Ukraine, Gruzia và Moldova đã nộp đơn xin đăng ký tư cách ứng viên, trong khi nhiều nước khác có nguyện vọng gia nhập EU như Thổ Nhĩ Kỳ và 6 quốc gia Tây Balkan gồm Serbia, Kosovo, Albania, Bắc Macedonia, Montenegro và Bosnia.
Trong một diễn biến khác liên quan, Italy, Đức, Luxembourg, Bỉ, Hà Lan và Tây Ban Nha đã ký bức thư chung ngày 18/5 kêu gọi tổ chức tranh luận về kế hoạch sửa đổi các hiệp ước của EU.
Bức thư chung viết: “Các tổ chức có trách nhiệm thẩm tra những đề xuất nào có thể được chuyển thành các quyết định cụ thể và cách thức thực hiện điều đó với tinh thần cởi mở.
Chúng tôi kêu gọi tổ chức một cuộc tranh luận đầy tham vọng, nhanh chóng dựa trên một lộ trình được cấu trúc theo các định dạng thích hợp của Hội đồng EU, chẳng hạn như Hội đồng các vấn đề chung”.
Bức thư đề nghị tách các đề xuất, giữa những vấn đề có thể được thực hiện trong các hiệp ước hiện hành và những “cải cách thể chế dài hạn” sẽ đòi hỏi các hiệp ước phải được sửa đổi.
Đề xuất sửa đổi cũng bao gồm việc cân nhắc loại bỏ yêu cầu về đồng thuận trong nhiều lĩnh vực chủ chốt để thúc đẩy quá trình ra quyết sách, phù hợp với đề xuất của Hội nghị về tương lai châu Âu (COFOE).
Thủ tướng Italy Mario Draghi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bày tỏ sự ủng hộ kế hoạch sửa đổi các hiệp ước.
Tuy vậy, 13 quốc gia thành viên EU - gồm Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Latvia, Litva, Malta, Ba Lan, Romania, Slovenia và Thụy Điển - gần đây cho biết việc sửa đổi các hiệp ước hiện nay sẽ là “quá sớm”.