📞

EU học gì từ Malta trong vấn đề di cư?

12:43 | 14/11/2015
Vấn đề về người di cư đã làm nóng bầu không khí thành phố Valletta của Malta, nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU - châu Phi về vấn đề di cư từ ngày 11-12/11.
Tường thì cao mà biển lại hẹp trong vấn đề di cư EU - châu Phi:. (Nguồn: The Economist)

Lựa chọn Malta làm địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh EU - châu Phi về vấn đề di cư dường như là một sự lựa chọn hợp lý của Liên minh châu Âu (EU). Quốc đảo Malta thuộc Địa Trung Hải, nằm ngay giữa quãng đường từ Libya đến Italy. Đây chính là một trong những điểm dừng chân được nhiều người di cư từ châu Phi lựa chọn khi tìm cách để đến được châu Âu. Và Valletta, thủ đô hoa lệ của Malta, là một nơi rất hoàn hảo cho Hội nghị thượng đỉnh lần này.

Bộ phim Trò chơi vương quyền - Game of Thrones cũng từng chọn thành phố Valletta làm bối cảnh cho thành phố cảng Pentos trong phim, nơi trú ẩn của những người tị nạn bao gồm cả gia đình hoàng gia lưu vong Targaryans.

Nhưng, tại Malta đã nảy sinh những vấn đề mà các nhà lãnh đạo EU có thể đã không lường trước, như là việc họ bộc lộ thái độ ngày càng bối rối của mình đối với vấn đề di cư.

Malta và vấn đề di cư

Malta là một trong những xã hội dân tộc đồng nhất nhất tại châu Âu, mặc dù bản sắc độc đáo nơi đây là sản phẩm của sự hòa trộn chủng tộc kéo dài hàng thế kỷ. Kết quả là dân bản xứ trông giống như người Italy, một chút giống người Ả rập và lái xe theo lề trái như người Anh.

Trong thập niên đầu thế kỷ 21, hàng ngàn người tị nạn châu Phi bắt đầu tìm đến đây và đã gây ra một sự xáo trộn lớn. Khi đó, người Malta cũng cố gắng tìm cách để giảm thiểu số người di cư như châu Âu bây giờ. Và, thật lạ là sau đó, họ dường như đã nhận được những gì họ muốn. Những dòng người đến Malta hầu như ngưng lại mà không ai biết lý do tại sao. Từ đầu năm nay đến ngày 10/11 vừa qua, đã có hơn 140.000 người di cư tìm đến Italy bằng đường biển. Trong khi đó, số người xin tị nạn ở Malta kể từ cuối tháng Một đến nay chỉ vỏn vẹn có 20 người.

Bên cạnh đó, nền kinh tế ở Malta vẫn phát triển mạnh mẽ (tốc độ tăng trưởng hàng năm là hơn 5%, tỷ lệ thất nghiệp thấp thứ ba tại EU, thâm hụt ngân sách năm 2015 dự kiến ​​sẽ là 1,6% GDP). Thậm chí, quốc đảo này còn được hưởng lợi từ sự kiện “Mùa Đông Ả rập” (sự phát triển thành phong trào của các lực lượng Hồi giáo cực đoan gây nên nhiều hậu quả xấu cho tiến trình dân chủ và an ninh ở các nước Ả rập - Bắc Phi), bởi đây là một điểm đến an toàn hơn cho khách du lịch thay vì Ai Cập hay Tunisia.

Malta dường như đã thành công trong việc trở thành một cái gì đó mà Thủ tướng Hungary Viktor Orban mơ ước: Một quốc gia thuộc EU với con số tăng trưởng kinh tế tuyệt vời và hầu như không có người tị nạn.

Malta, kiểu mẫu cho EU về nhập cư?

Tại Hội nghị thượng đỉnh EU - châu Phi về vấn đề di cư, lãnh đạo châu Âu đã đồng ý với các nước châu Phi sẽ giúp họ giải quyết vấn đề nhập cư. Những nước có người tị nạn bị bắt giữ và chấp nhận sự trở lại của những người di cư từng nộp đơn xin tị nạn châu Âu nhưng bị từ chối, sẽ được nhận được một phần trong gói viện trợ 1,8 tỷ Euro (tương đương 2 tỉ USD) của EU. Gói tài trợ này được Ủy ban châu Âu (EC) giải thích như là một cách giúp người di cư tiếp cận gần hơn với thị trường châu Âu và là cơ hội để các nước châu Phi giành được nhiều thị thực hơn cho công dân của họ. Tại Hội nghị, Thụy Điển - một trong những quốc gia thân thiện với người tị nạn nhất châu Âu, tuyên bố sẽ thiết lập các giới hạn điều kiện cho đơn xin tị nạn. Phải chăng châu Âu cũng đang hướng tới một mục tiêu thịnh vượng cho người di cư tự do như Malta?

Có lẽ, chẳng sai khi nói rằng, sự phục hưng kinh tế của Malta phụ thuộc lớn vào người di cư. Theo Hiệp hội các Nhà tuyển dụng Malta, người nước ngoài (từ châu Âu và những nơi khác) hiện chiếm 12% lực lượng lao động của nước này. Lao động nước ngoài đến quốc đảo thường tập trung trong các ngành công nghiệp phát triển như dịch vụ, tài chính, dược phẩm và trò chơi trực tuyến. Người dân địa phương nói rằng, một số người tị nạn đã được chấp nhận ở các nước Địa Trung Hải khác, ngay cả ở Tây Ban Nha, cũng bắt đầu chuyển sang tìm đến Malta để tìm kiếm việc làm. Thậm chí, đất nước này còn có quy định cung cấp hộ chiếu cho bất cứ ai đầu tư 1 tỷ Euro cho ngân sách của Malta.

Malta không những không xua đuổi người nhập cư mà thậm chí còn chào đón họ. Tất nhiên, người nhập cư đến từ châu Âu - có tay nghề hoặc giàu có thì vẫn được ưu tiên hơn. Đây có thể là một chiến lược khả thi cho các hòn đảo nhỏ ở Địa Trung Hải nhưng không phải cho toàn bộ lục địa già. Các nhà lãnh đạo EU, nếu có đang tìm cách học hỏi từ thành công của Malta, cần ghi nhớ rằng, nếu châu Âu muốn đưa người nhập cư vào để phát triển nền kinh tế của mình, họ cần chấp nhận rằng sự quyết định sẽ đến từ bên ngoài châu Âu và cụ thể có lẽ là từ châu Phi.

Trang Trần (theo The Economist)