Những động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Đức tuyên bố ngừng xuất khẩu vũ khí sang quốc gia Trung Đông này cho tới khi nguyên nhân cái chết của nhà báo Khashoggi tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) được làm rõ. Berlin đồng thời mong muốn các nước thành viên EU có hành động tương tự nước này.
Binh sỹ Saudi Arabia tại thủ đô Riyadh. (Nguồn: zing.vn) |
Phát biểu trên tờ Die Welt (Thế giới) của Đức, Ngoại trưởng Áo - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU - bà Karin Kneissl đánh giá: "Việc đình chỉ xuất khẩu vũ khí mà Thủ tướng (Đức Angela) Merkel đề xuất là một hiệu lệnh chuẩn xác."
Bà nêu rõ chính phủ Áo cũng đã ngừng xuất khẩu khí tài quân sự sang Saudi Arabia từ tháng 3/2015 và hiện tại trong EU, Pháp và Anh - nước sẽ rời khỏi "mái nhà chung" vào tháng 3/2019 - là những quốc gia cung cấp vũ khí lớn nhất cho Riyadh.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Áo cũng cho rằng quyết định cấm vận vũ khí đối với Saudi Arabia có thể giúp chấm dứt "cuộc chiến tranh tàn bạo ở Yemen."
Liên minh quân sự do Saudi Arabia đứng đầu đã can thiệp vũ trang tại Yemen từ năm 2015, với các cuộc không kích xảy ra thường xuyên với mục đích tấn công phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn, song trên thực tế lại "vô tình" gây thương vong lớn cho dân thường.
Tính đến nay, cuộc chiến khốc liệt ấy đã cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người, hơn 2 triệu người trở thành vô gia cư và đẩy Yemen tới bờ vực của nạn đói.
Theo Ngoại trưởng Kneissl, cuộc chiến tranh ở Yemen và cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Qatar và Saudi Arabia cùng các nước đồng minh Arab của vương quốc vùng Vịnh này đòi hỏi có sự phối hợp hành động chung của EU.
Bà nhấn mạnh: "Nếu toàn bộ EU ngừng cung cấp vũ khí cho Saudi Arabia, điều ấy có thể giúp chấm dứt những cuộc xung đột này."
Trong một diễn biến liên quan, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 26/10 đã yêu cầu dẫn độ 18 đối tượng người Saudi Arabia tình nghi liên quan tới cái chết của nhà báo Khashoggi, trong bối cảnh Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Ankara tiếp tục có thêm những bằng chứng để làm sáng tỏ vụ việc trên.
Nhà báo, nhà bình luận chính trị Khashoggi bị mất tích từ ngày 2/10 sau khi vào tòa lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Khashoggi mang quốc tịch Saudi Arabia, sinh sống tại Mỹ và đang trong quá trình tìm cách để trở thành công dân Mỹ sau khi lưu vong từ năm 2017.
Hôm 20/10, Saudi Arabia thừa nhận ông Khashoggi đã chết sau một cuộc ẩu đả trong lãnh sự quán nước này tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, song không cho biết thi thể nhà báo này đang ở đâu.
Riyadh thông báo đã bắt giữ 18 người Saudi Arabia liên quan đến vụ này, đồng thời mở cuộc điều tra theo hướng mà Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng vụ sát hại này đã được lên kế hoạch từ trước.