📞

EU khó thoát khỏi Nga, quyền lực năng lượng ở lục địa già vẫn thuộc về Moscow dù ‘sao đổi ngôi’

Gia An 13:38 | 25/03/2023
Bất chấp xung đột quân sự ở Ukraine, công ty hạt nhân dân sự của Nga - Rosatom vẫn duy trì vị thế quan trọng, thậm chí khó thay thế, đối với châu Âu.
EU khó thoát khỏi Nga, ‘sao đổi ngôi’ thì quyền lực năng lượng ở lục địa già vẫn thuộc về Moscow. (Nguồn: AA)

Nga-châu Âu vẫn còn một mối quan hệ rất chặt chẽ

Châu Âu vẫn phụ thuộc vào Nga để cung cấp nhiên liệu cho một số nhà máy điện nguyên tử của họ, đặc biệt là ở Trung Âu và Đông Âu. Hơn nữa, phạm vi ảnh hưởng của công ty còn mở rộng ra ngoài biên giới của 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), vì họ có số lượng dự án lò phản ứng hạt nhân lớn nhất trên toàn cầu.

Lý do một phần là bởi năng lực mạnh mẽ của tập đoàn này trong sản xuất thanh nhiên liệu và lò phản ứng, nhưng phần khác cũng là vì các đối thủ phương Tây hiện vẫn đang bị cản trở bởi các quy định chặt chẽ hơn.

Hơn một năm sau khi nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine, hiếm có người Pháp nào chưa từng nghe đến Gazprom, công ty khổng lồ của Nga chuyên khai thác và kinh doanh khí đốt tự nhiên. Đó là bởi vì, kể từ tháng 2/2022, châu Âu đã phải vật lộn để thoát khỏi ảnh hưởng của Gazprom, khi tập đoàn này của Nga đã đóng van cung cấp khí đốt cho châu Âu trong nhiều tháng.

Một doanh nghiệp hàng đầu khác của Nga, mặc dù tên tuổi vẫn còn ít được công chúng biết đến, nhưng tầm ảnh hưởng đang ngày càng tăng và hiện đang chiếm vị trí số một trong thế giới hạt nhân, đó là "gã khổng lồ" Rosatom.

Rosatom hiện giữ một vai trò chiến lược trong nguồn cung điện của EU, thông qua cung cấp nhiên liệu cho nhiều lò phản ứng ở khu vực này. Điều này cho thấy lĩnh vực hạt nhân dân sự khó bị ảnh hưởng bởi các vấn đề địa chính trị và các mối liên kết thậm chí còn phức tạp hơn nhiều so với khí đốt của Nga.

Một chuyên gia am hiểu về lĩnh vực này cho biết: "Để thay thế khí đốt của Nga, bạn có thể tìm thấy khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở đâu đó trên thế giới trong một thời gian tương đối ngắn. Nhưng không thể làm điều tương tự đối với nhiên liệu hạt nhân, vì chuỗi cung ứng vẫn còn rất phức tạp".

Bất chấp xung đột đang diễn ra, hoạt động kinh doanh của Rosatom do vậy vẫn phát triển tốt ở "hậu trường" mà không chịu ảnh hưởng bởi bất kỳ lệnh trừng phạt nào.

Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Saint Petersburg - Tatiana Romanova giải thích rằng, điều này cũng phù hợp với quan điểm của Nga, vì họ đang cố gắng không chính trị hóa vấn đề này’.

Trong khi đó, bản thân châu Âu cũng khó có khả năng thoát được ra khỏi vòng ảnh hưởng của Nga trong lĩnh vực này ít nhất là trong trung hạn. Vào đầu tháng 2/2023, dữ liệu do một cơ quan tư vấn về quốc phòng và an ninh của Anh tổng hợp cho thấy năm 2022, EU đã mua công nghệ và nhiên liệu hạt nhân của Nga ở mức cao nhất trong 3 năm qua.

Sở dĩ EU phải mua công nghệ và nhiên liệu hạt nhân của Nga vì nhiều nhà máy điện của EU đang phải phụ thuộc vào nước này trong việc chuyển đổi nhiên liệu sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân.

Theo quy trình, trước khi có thể sản xuất điện, uranium khai thác từ các mỏ phải được làm giàu, thông qua một quy trình công nghiệp làm tăng tỷ lệ các đồng vị phân hạch. Nga vẫn là quốc gia đứng đầu trong lĩnh vực này, với 40% năng lực cung ứng toàn cầu. Không thể phủ nhận một điều, đây là di sản tồn tại từ thời Chiến tranh Lạnh và hiện vẫn đang trói buộc phương Tây, ít nhất là trong ngắn hạn.

Hiện đã có những đối thủ tìm cách cạnh tranh với Rosatom trên thị trường quan trọng này. Đặc biệt là tập đoàn Orano của Pháp và Urenco của Anh-Đức-Hà Lan, những công ty đang nỗ lực nâng cao năng lực làm giàu nhiên liệu của họ để dần rời xa sự phụ thuộc vào Nga.

Với tình hình này, Washington sẽ có thể hạn chế nhập khẩu uranium làm giàu của Nga xuống 15% vào năm 2030 và thậm chí đang xem xét một mục tiêu đầy tham vọng là 0% từ năm 2025. Nhưng châu Âu thì cẩn trọng hơn, khi không đưa ra một mục tiêu nào.

Mong muốn là vậy, nhưng trên thực tế, mối liên quan có vấn đề nhất lại nằm ở chỗ khác. Theo giải thích của Teva Meyer, chuyên gia về hạt nhân dân sự tại Viện quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS), đó là một vấn đề liên quan kỹ thuật, nằm ở giai đoạn cuối cùng của quá trình chế tạo thanh nhiên liệu trước khi nạp vào nhà máy điện. Ở công đoạn này, Rosatom chưa phải đối mặt với bất kỳ sự cạnh tranh nào trong việc cung cấp nhiên liệu cho một số nhà máy điện hạt nhân có nguồn gốc từ Nga, thậm chí cả các nhà máy đang hoạt động ở châu Âu.

Trên thực tế, không phải là phương Tây không để tâm đến vấn đề này. Nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu từ Nga, đã có một số dự án được phát triển và tăng tốc với sự vào cuộc của các “tên tuổi đình đám” như Framatome của Pháp hay Westinghouse của Mỹ… Dù một số dự án chưa thực sự mang lại kết quả khả quan, nhưng cũng có những dự án thu được các kết quả nhất định.

Nhưng tóm lại, chừng nào động cơ tài chính chưa đủ hấp dẫn thì các công ty phương Tây vẫn chưa đủ quyết tâm thâm nhập vào những thị trường này.

"Đế chế" của Rosatom

Vị thế của Rosatom không chỉ giới hạn trong khuôn khổ 27 nước của Liên minh châu Âu (EU).

"Đế chế" của Rosatom vô cùng rộng lớn, công ty này hiện đứng vị trí số 1 về số lượng nhà máy điện hạt nhân đã được lên kế hoạch hoặc đang được xây dựng trên toàn cầu.

Từ Ai Cập đến Bangladesh qua Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ hay Iran, hoạt động kinh doanh của họ đang phát triển mạnh mẽ. Vào tháng Hai vừa qua, ông chủ của Rosatom, Alexey Likhachev, thậm chí còn tuyên bố đã bắt đầu đàm phán với hàng chục quốc gia, trong đó 3 hoặc 4 quốc gia sẽ chuẩn bị ký kết các thỏa thuận liên chính phủ.

Rosatom đang có nhiều lợi thế hơn trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ phương Tây, như EDF của Pháp hay Westinghouse của Mỹ. Bởi vì công ty Nga đã phát triển một cơ chế thông minh để thu hút khách hàng mới, với cách thức xây dựng, vận hành và hỗ trợ tài chính cho các dự án nhà máy điện mà họ ký kết.

Sau đó họ nhận trả công thông qua dịch vụ bán điện (theo nguyên tắc tương tự như thỏa thuận nhượng quyền). Trong khi với ngành kỹ thuật của châu Âu nói chung và của các nước Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), các thành viên không có quyền bắt chước cách làm này, bởi vì các quy định pháp luật về cạnh tranh ngăn cấm họ ký các loại hợp đồng như vậy.

Do đó, để trả nợ cho Nhà máy điện Akkuyu trong tương lai, bao gồm 4 lò phản ứng VVER-1200, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải mua từ Nga ít nhất 50% lượng điện do nhà máy sản xuất trong 15 năm, tương đương khoảng 30 tỷ USD.

Đối với Bangladesh, nơi 2 lò VVER-1200 sẽ được lắp đặt ở Rooppur vào năm tới, Rosatom đang hỗ trợ tài chính 80% tổng kinh phí lắp đặt bằng hình thức tín dụng, với khoản vay không dưới 10 tỷ Euro (10,8 tỷ USD). Chuyên gia Tatiana Romanova nhấn mạnh: "Điều này chắc chắn có ý nghĩa chính trị, với các mối quan hệ được hình thành lâu dài".

Đặc biệt, để tạo ra các mối liên kết, Rosatom không ngần ngại áp dụng nhiều phương pháp. Ví dụ, họ mời nhiều sinh viên từ Zimbabwe hoặc Uganda đến các trường đại học ở Moscow, để đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cho các quốc gia quan tâm đến sự phát triển của hạt nhân dân sự, nhằm đổi lấy việc mua các lò phản ứng công nghệ của Nga.

Đặc biệt, để bán được tối đa số lò phản ứng hạt nhân ra nước ngoài, Rosatom còn có một "át chủ bài" khác mà EDF khó có thể cạnh tranh. Đó là, công ty sẽ nhận lại tất cả nhiên liệu đã qua sử dụng do các nhà máy điện trong tương lai của khách hàng tạo ra.

Theo đó, Nga đã sửa đổi luật của mình để cho phép họ nhập khẩu chất thải hạt nhân, điều bị nghiêm cấm ở EU. Điều này sẽ hấp dẫn các nhà lãnh đạo quốc gia hiện lo lắng về cách thức quản lý những vật liệu nguy hiểm này trên lãnh thổ của họ. Tất nhiên, điều kiện để có được thỏa thuận này là họ phải mua lò phản ứng từ công ty Nga thay vì mua từ một trong những đối thủ cạnh tranh.

Trong khi nhiều quốc gia mong muốn sớm có được nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của họ, đặc biệt là ở các lục địa châu Phi và châu Á, thì Rosatom không thiếu nguồn lực để mang lại cho mình một tương lai xuất khẩu tươi sáng. Do vậy, Rosatom sẽ có được nguồn thu nhập rất đáng kể, đồng thời ảnh hưởng của Điện Kremlin sẽ được củng cố trong nhiều thập kỷ tới đối với một thế hệ khách hàng mới.

(theo La Tribune, TTXVN)