Mỹ trừng phạt hàng chục tổ chức tài chính Nga, bao gồm Gazprombank. (Nguồn: Getty Images) |
Trích dẫn các nguồn tin quen thuộc với vấn đề trên, Bloomberg cho hay, EU đang đàm phán với Mỹ về "các biện pháp nới lỏng sau khi một số chính phủ và công ty châu Âu cảnh báo rằng, lệnh trừng phạt sẽ gây rủi ro cho an ninh nguồn cung của khu vực".
Gazprombank là ngân hàng Nga cuối cùng vẫn được tiếp cận hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Tuy nhiên, hôm 21/11, Văn phòng Kiểm soát Tài sản nước ngoài (OFAC) thông báo, Washington trừng phạt hàng chục tổ chức tài chính Nga, bao gồm Gazprombank và 6 công ty con của tập đoàn này ở nước ngoài. Điều này khiến Gazprombank không được tiếp tục nhận các khoản thanh toán khí đốt hoặc phí quá cảnh.
Bình luận về các lệnh trừng phạt, Gazprombank cho biết, các biện pháp này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng ở Nga, đồng thời lưu ý rằng tất cả các thẻ ngân hàng, bao gồm cả những thẻ sử dụng hệ thống thanh toán nước ngoài, sẽ tiếp tục hoạt động như bình thường.
Họ cảnh báo, thẻ UnionPay của ngân hàng có thể ngừng hoạt động ở nước ngoài.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định mở các cơ chế tài chính khác để có thể chuyển đổi đồng Ruble nhằm mua khí đốt của Moscow.
Theo Bloomberg, Washington đã hoãn lệnh trừng phạt Gazprombank đến tuần trước, dưới áp lực từ châu Âu.
Tổng thống Vladimir Putin cho biết, việc cắt đứt quan hệ với xứ bạch dương có tác động tiêu cực nghiêm trọng trong giai đoạn khó khăn mà Đức và các nền kinh tế châu Âu khác phải đối mặt.
"Nếu không có nguồn cung cấp năng lượng ổn định và đáng tin cậy với giá cả phải chăng của Moscow, các ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều năng lượng ở EU sẽ phải chịu tổn thất", nhà lãnh đạo Nga nói.
Phía Moscow nhiều lần chỉ trích các lệnh trừng phạt của phương Tây là thiên vị và bất hợp pháp. Điện Kremlin nhấn mạnh rằng, các biện pháp này đã thất bại trong mục tiêu gây bất ổn nền kinh tế Nga và phản tác dụng đối với các quốc gia đưa ra chúng.