Cảng Zeebrugge (Bỉ) là một trong các cảng của EU nhận nhiều khí LNG từ Nga. (Nguồn: Financial Times) |
Lệnh cấm là một phần trong gói trừng phạt thứ 14 chống lại Nga. Mặc dù đây không phải là lệnh cấm hoàn toàn nhưng đây sẽ là lần đầu tiên châu Âu thực thi các biện pháp cụ thể chống lại LNG của Moscow.
Đề xuất biện pháp trừng phạt mới cũng tìm cách cấm mọi sự tham gia của EU vào các dự án LNG mới của Nga. Biện pháp sẽ hạn chế việc mở rộng công suất LNG và do đó sẽ hạn chế doanh thu của Điện Kremlin.
Quyết chặn mọi ngả đường của LNG Nga
Các cảng châu Âu rất quan trọng đối với Nga vì lục địa này cung cấp các tuyến vận chuyển ngắn hơn cho một số tàu chở LNG của đất nước này.
Để tối ưu hóa chi phí vận chuyển, siêu dự án Yamal LNG có trụ sở tại Bắc Cực - do Novatek (nhà sản xuất và xuất khẩu LNG hàng đầu của Nga) dẫn đầu - dựa vào các cảng Zeebrugge ở Bỉ và Montoir ở Pháp để vận chuyển hàng hóa. Thông thường, tàu sẽ dỡ hàng tại bến cảng, sau đó, LNG tiêu chuẩn sẽ chuyển tải vào cùng thời điểm đó. Nếu lệnh cấm chính thức thông qua, vấn đề này sẽ chấm dứt.
Việc ngăn chặn bán lại LNG của Nga cho EU sẽ yêu cầu Moscow phải cải tổ lại mô hình kinh doanh hiện tại của mình. Nếu không có các cảng châu Âu làm điểm dừng chân thuận tiện, Nga sẽ phải sử dụng các tàu phá băng được trang bị đặc biệt để cắt băng ở Biển Bắc Cực - để đưa khí đốt đến châu Á.
Theo công ty tư vấn Energy Aspects Ltd, nhập khẩu LNG từ đất nước của Tổng thống Putin vào EU đạt tổng cộng 14,4 triệu tấn vào năm ngoái. Các chuyến trung chuyển - nơi nhiên liệu được chuyển giao - chiếm 2 triệu tấn.
Tổ chức môi trường Đức Urgewald cho biết, các cảng ở Bỉ, Pháp, Hà Lan và Tây Ban Nha là những điểm chính cung cấp LNG từ Bán đảo Siberian Yamal của Nga. Cảng Zeebrugge của Bỉ và cảng Montoir của Pháp là những trung tâm tái xuất khẩu LNG đặc biệt quan trọng sang các nước như Trung Quốc hoặc Thổ Nhĩ Kỳ.
Báo cáo hồi tháng 4/2024 của Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch cũng cho thấy, các nước EU đã trả 8,2 tỷ Euro (tương đương 8,8 tỷ USD) cho LNG của Nga vào năm 2023.
Nga có lựa chọn thay thế
Các lệnh trừng phạt sẽ làm phức tạp thêm vấn đề hậu cần vận chuyển cho Nga và buộc các tàu chuyên dụng phải di chuyển trên các tuyến đường dài hơn. Các hạm đội toàn cầu đã tránh Biển Đỏ, sau các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen, buộc các chuyến hành trình phải định tuyến lại quanh châu Phi.
Theo Energy Aspects, việc vận chuyển hàng hóa của dự án Yamal LNG trực tiếp đến châu Á - không qua châu Âu - sẽ làm tăng chi phí vận chuyển và hậu cần. Bên cạnh đó, các tàu phá băng ở Bắc Cực cũng phải hoạt động lâu hơn.
Bloomberg nhận định, Nga thực sự có một số lựa chọn thay thế tuyến trung chuyển ở châu Âu. Cụ thể, các doanh nghiệp Nga sẽ tiến hành vận chuyển hàng hóa từ tàu này sang tàu khác gần thành phố Murmansk ở phía Bắc đất nước.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể sử dụng Tuyến đường biển phía Bắc vào mùa Hè, khi băng tan để vận chuyển hàng tới châu Á.
Nếu các thỏa thuận vận chuyển thay thế không thành công, xuất khẩu LNG của Nga có thể bị giảm. Nhưng quốc gia này khá "khéo léo" trong việc lách các biện pháp trừng phạt của phương Tây, hãng Bloomberg khẳng định.
Dẫn chứng là Nhóm các nền công nghiệp phát triển (G7) và Australia đã áp đặt giá trần đối với dầu mỏ của Nga là 60 USD/thùng, nhưng trên thực tế Nga đã bán dầu Urals với mức giá từ 70 USD đến 80 USD/thùng trong nhiều tháng.
Nga được cho là đã sử dụng "hạm đội tàu bóng tối" - gồm các tàu chở dầu cỡ nhỏ, cũ kỹ, không có bảo hiểm của phương Tây, khiến chúng khó bị theo dõi hơn. Việc trấn áp đội tàu này cũng là một phần của đợt trừng phạt mới nhất.
EU đang ấp ủ gói trừng phạt mới với Nga. (Nguồn: Vestnikkavkaz) |
Lệnh cấm sẽ có ý nghĩa gì đối với khách hàng châu Á?
Theo Energy Aspects, nếu lệnh cấm đi vào thực thi, xuất khẩu LNG của Nga sang châu Á có thể giảm hoặc trở nên đắt hơn do chi phí vận chuyển hàng hóa cao hơn.
Trong một kịch bản cực đoan, ông James Waddell, người đứng đầu bộ phận khí đốt châu Âu và LNG toàn cầu tại Energy Aspects nhận thấy, nếu Novatek không thể cơ cấu lại hệ thống hậu cần và hoạt động xuất khẩu LNG của Moscow bị đóng cửa, hợp đồng cung cấp 3 triệu tấn khí đốt của Nga với Trung Quốc mỗi năm sẽ bị gián đoạn. Điều này có thể gây ra phản ứng chính trị dữ dội từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ông nói thêm, việc dựa vào Tuyến đường biển phía Bắc hoặc trung chuyển qua Murmansk cũng sẽ phụ thuộc vào điều kiện về thời tiết. Đây là một vấn đề khó có thể can thiệp với Nga.
Sẽ có những người thua cuộc khác?
Một trong những doanh nghiệp thua cuộc lớn nhất khi lệnh trừng phạt bắt đầu có thể là Fluxys SA - công ty vận hành kho cảng Zeebrugge. Công ty đã xây dựng một bể chứa chuyên dụng để phục vụ hợp đồng 20 năm với Yamal Trade - một chi nhánh kinh doanh của Yamal LNG.
Theo ước tính của thị trường, nhà ga có thể thông báo tình trạng bất khả kháng trong trường hợp có lệnh trừng phạt đối với việc trung chuyển hoặc phải đối mặt với mức phạt lên tới 1 tỷ Euro (tương đương với 1,1 tỷ USD) nếu không thể cung cấp dịch vụ cho Yamal Trade trong thời gian còn lại của hợp đồng.
Katja Yafimava, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford nhận định: “Sẽ rất tệ cho các cảng châu Âu hiện đang có hợp đồng với doanh nghiệp Nga".
Mới đây, Cơ quan Hợp tác Điều tiết Năng lượng của EU (ACER) nhận định, EU đặt mục tiêu chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027, vì vậy, việc giảm nhập khẩu LNG của Nga nên được xem xét theo từng bước,
Cơ quan này khẳng định: "Các biện pháp như vậy có thể nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Moscow, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là khối lượng đáng kể đã được ký hợp đồng theo các thỏa thuận LNG dài hạn trước khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine.
Do đó, việc cắt giảm nhập khẩu LNG của Nga cần được thực hiện một cách thận trọng, đặc biệt trong bối cảnh hợp đồng trung chuyển khí đốt bằng đường ống từ nước này đến châu Âu qua Ukraine sắp hết hạn vào cuối năm nay".
Hiện tại, EC vẫn chưa đưa thông tin chính xác nhất về lệnh trừng phạt, do đó, chưa thể ước tính hết tác động của lệnh cấm này. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá, dù Nga có thể đã có cách lách lệnh cấm thì đây cũng là bước đi cứng rắn của EU trong cuộc chiến trừng phạt Moscow vì chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
(theo Bloomberg)