Phát biểu trên trang mạng xã hội Twitter sau cuộc gặp với các quan chức Phần Lan, ông Barnier nêu rõ: "Rõ ràng là còn nhiều việc phải làm trong các cuộc đàm phán Brexit. Chúng tôi vẫn quyết tâm đạt được một thỏa thuận".
Theo dự kiến, nước Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3/2019 và “xứ sở sương mù” kỳ vọng rằng các nhà lãnh đạo EU sẽ nhất trí đánh giá đàm phán Brexit đã đạt đủ tiến triển để hai bên có thể tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vào tháng 11 này, qua đó Anh và EU có thể hoàn tất "thỏa thuận ly hôn" và đưa ra tuyên bố về một mối quan hệ thương mại hậu Brexit.
Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh EU với Thủ tướng Anh Theresa May vừa diễn ra ở Brussels (Bỉ) đã khép lại mà không đạt được tiến bộ. Lãnh đạo 27 nước EU quyết định tạm hoãn kế hoạch chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh đặc biệt về Brexit vào tháng 11, với lý do Thủ tướng Anh đã không đưa ra được ý tưởng cụ thể mới nào nhằm tháo gỡ bế tắc hiện nay là vấn đề đường biên giới Ireland.
Thủ tướng Anh đang phải đối mặt với một "trận chiến" cam go trong nghị viện. (Nguồn: Reuters) |
Cùng ngày, tòa án Công lý của Liên minh châu Âu (ECJ) cho biết tòa sẽ mở phiên xét xử vụ kiện về tiến trình Anh rời EU, còn gọi là Brexit, vào ngày 27/11 tới để quyết định xem liệu Anh có thể đơn phương rút lại quyết định rời khỏi EU hay không.
Vụ việc trên đã được một tòa của Scotland kiện lên tòa của EU ở Luxembourg. Scotland là nơi các chính trị gia phản đối Brexit đề nghị tòa án ra phán quyết để làm rõ cách diễn giải Điều 50 của Hiệp ước Lisbon. Điều luật này cho phép London có hai năm để chuẩn bị cho cuộc "ly hôn" với EU, song không nói rõ quy định nếu quốc gia định ra khỏi "ngôi nhà chung" đó thay đổi suy nghĩ và muốn ở lại.
Những người đâm đơn kiện cho rằng việc đảo ngược tiến trình Brexit hoàn toàn có thể được thực hiện mà không cần sự ưng thuận của bất cứ quốc gia thành viên EU nào khác, đồng thời khuyến cáo các nghị sĩ Anh nên ngăn chặn cuộc "ly hôn" này trước khi nó xảy ra vào ngày 29/3/2019.
Thủ tướng Anh Theresa May nhấn mạnh rằng Anh sẽ rời EU vào tháng 3 tới. Nhưng bà đang phải đối mặt với một "trận chiến" cam go trong nghị viện khi tìm cách phê chuẩn bất cứ thỏa thuận nào trong tương lai, nhất là liên quan đến cách xử lý vấn đề biên giới với Ireland.
Về nguyên tắc, bà May có thể yêu cầu nghị viện bỏ phiếu vào đầu tháng này. Một nguồn tin cho biết cuộc bỏ phiếu có thể diễn ra đúng vào ngày tòa án ở Luxembourg xem xét vụ kiện Brexit, ngày 27/11.
Một người phát ngôn của Chính phủ Anh cho biết, Chính phủ đang tìm cách kháng cáo quyết định của Tòa Hình sự Scotland khi khiếu kiện lên ECJ. Người phát ngôn này cũng nhấn mạnh chính sách kiên định của Chính phủ Anh là không đảo ngược tiến trình Brexit như được quy định trong Điều 50.
Trước đó, ngày 6/11, Chính phủ Anh cho biết đã trình bản nhận xét lên ECJ, tái khẳng định quan điểm của mình rằng tòa nên bác bỏ vụ kiện trên bởi từ lâu tòa đã từ chối xét xử các vấn đề mang tính giả định hoặc chỉ dựa trên thăm dò dư luận.
Vụ kiện trên xuất hiện trong bối cảnh một cuộc thăm dò mới nhất và quy mô nhất tại Anh về Brexit cho thấy có tới 54% số người được hỏi cho biết sẽ bỏ phiếu để ở lại EU nếu diễn ra cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về Brexit. Đây là lần đầu tiên số người ủng hộ "ở lại" đã vượt quá số người ủng hộ "ra đi" ở thời điểm cách đây hai năm.
Anh đã tiến hành cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6/2016, trong đó, 52% đã nhất trí rời khỏi EU. Theo kế hoạch, Brexit sẽ diễn ra vào tháng 3/2019, song cho đến nay cả London và Brussels vẫn chưa thể nhất trí một số vấn đề chủ chốt, trong đó có biên giới Ireland và các thỏa thuận hải quan, có khả năng dẫn đến viễn cảnh không đạt được thỏa thuận về Brexit.