Đại sứ, Trưởng Phái Đoàn EU tại Việt Nam Franz Jessen. (Ảnh: Ngọc Bích). |
Xin Đại sứ chia sẻ về mục đích chuyến thăm của Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso tới Việt Nam vào tuần tới?
Tầm quan trọng của chuyến thăm song phương đầu tiên của ông Barroso tới Việt Nam rất lớn. Thời gian chuyến thăm, tính cả đi và về kéo dài hơn ba ngày.
Thứ nhất, giữa Việt Nam và EU có những điểm chung. Chúng ta đang đàm phán để ký Hiệp định thương mại song phương. Quan hệ thương mại hai bên rất tốt đẹp và chúng tôi hy vọng năm nay hai bên có thể kết thúc đàm phán hiệp định này. Hiệp định do Ủy ban châu Âu đang đàm phán với Việt Nam. Ông Barraso là Chủ tịch của Ủy ban nên chuyến thăm này cho thấy ông Chủ tịch đã đánh giá cao tầm quan trọng của Hiệp định trên.
Thứ hai, hiện tại rất nhiều nhà tài trợ đang rút ra khỏi Việt Nam vì Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình và thu nhập đang tăng nhanh. Tuy nhiên, EU vẫn quyết định tài trợ cho Việt Nam trong chu kỳ bảy năm tiếp theo, lên tới 400 triệu Euro (hơn 500 triệu USD), tăng 30%. Như vậy, quyết định này cùng với chuyến thăm sắp tới của ông Barroso cho thấy EU đã trở thành đối tác chính của Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác phát triển.
Đánh giá của ông về những lợi ích mà PCA mang lại cho Việt Nam và EU?
PCA được ký vào tháng 6/2012. Việt Nam và một số lớn các thành viên EU đã phê chuẩn hiệp định này và chúng tôi đã xác định các lĩnh vực ưu tiên để thực thi.
Hiệp định PCA thể hiện sự cam kết của EU tiến lên quan hệ hiện đại trên diện rộng và cùng có lợi với Việt Nam. Hiệp định này sẽ mở rộng phạm vi hợp tác EU - Việt Nam trên các lĩnh vực như thương mại, môi trường, năng lượng, khoa học và kỹ thuật, quản lý công, du lịch, văn hóa, di cư, chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức.
Hiệp định PCA cũng cho phép Việt Nam và EU, vốn chia sẻ lợi ích chung trong hệ thống đa phương mạnh mẽ dựa trên các quy định và các thể chế quản lý toàn cầu vững mạnh, tăng cường hợp tác hơn nữa trước những thách thức trong khu vực và thế giới, bao gồm biến đổi khí hậu, chống khủng bố và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tất cả các vấn đề mà Việt Nam sẵn sàng đóng một vai trò ngày càng tích cực.
Hai bên đã triển khai nội dung ưu tiên nào để thực hiện sớm PCA?
Các ưu tiên mà chúng tôi đặt ra là đối thoại nhân quyền, đối thoại chính trị, an ninh cũng như hợp tác phát triển.
Ưu tiên thứ nhất là đối thoại về nhân quyền trong khuôn khổ PCA. Cơ chế đối thoại về nhân quyền giữa các Đại sứ EU tại Hà Nội và Chính phủ Việt Nam lần đầu tiên diễn ra vào năm 2001 và được tổ chức một năm hai lần. Cơ chế này đã được chuyển đổi thành đối thoại Nhân quyền tổ chức năm 2012. Đối thoại lần thứ ba, được nâng cấp so với trước đây và sẽ được thực hiện trong vòng khoảng một tháng nữa. Trước đó đã có những cuộc họp chuẩn bị cho các đối thoại này giữa các Trưởng phái đoàn ngoại giao châu Âu tại Việt Nam.
Bên cạnh đối thoại về nhân quyền, chúng tôi có đối thoại về an ninh, chính trị cấp thứ trưởng. Đối thoại an ninh, chính trị lần thứ ba cũng sắp diễn ra. Trong những lần đối thoại này, chúng tôi nhấn mạnh về các chủ đề an ninh khu vực, an ninh toàn cầu và chúng tôi xác định các mục tiêu cũng như hướng phát triển trong tương lai. Những đối thoại này có vai trò quan trọng trong duy trì an ninh.
Trong hai năm vừa qua, cũng vì có PCA mà chúng ta có những chuyến thăm cấp cao giữa hai bên. Về phía EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rompuy, Phó Chủ tịch EU Catherine Ashton đã thăm Việt Nam và sắp tới là ông José Manuel Barosso.
Những thách thức khi triển khai những nội dung thỏa thuận đạt được trong PCA?
Về thách thức, cần phải xác định những quan tâm chung giữa hai bên như vấn đề biến đổi khí hậu. Cái khác là hai phía chúng ta có những điểm khởi đầu khác nhau nên phải chia sẻ các nghị trình phát triển.
Xin ông cho biết những hoạt động nổi bật của Phái đoàn EU tại Việt Nam trong năm nay?
Thông qua chương trình đối thoại chiến lược giữa hai bên, chúng tôi đưa các học giả châu Âu đến Việt Nam nói về cải cách thể chế ở EU cũng như vấn đề Đông Âu, Ukraine và Nga, các vấn đề ở châu Âu nói chung và các giải pháp để chúng tôi giải quyết vấn đề này. Chúng tôi nói chuyện với các giảng viên cũng như với các sinh viên không những ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mà còn các tỉnh, thành phố khác.
Bên cạnh đó, chúng tôi có các hoạt động văn hóa như Liên hoan phim châu Âu, các hoạt động thể thao và văn hóa.
Quan hệ Việt Nam – EU đã được gần 25 năm và phái đoàn EU đã có mặt ở Việt Nam gần 20 năm. Đây là thời điểm chúng tôi nhìn lại quá khứ và hướng tới 20 năm tiếp theo để đặt mục tiêu cho những hoạt động trong tương lai. Trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, tôi mong muốn có nhiều hoạt động khác nữa giữa hai bên.
Xin cảm ơn ông!
Tiến sĩ Franz Jessen được cử làm Đại sứ - Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam từ tháng 11/2011. Đại sứ Jessen có bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Virginia Tech ở Mỹ và bằng Thạc sĩ Khoa học Xã hội ở Đan Mạch.
VÂN HỒ (thực hiện)