📞

EURO 2016 và những điểm nhấn sau vòng bảng

13:58 | 24/06/2016
36 trận đấu của vòng bảng UEFA Euro 2016 đã trôi qua với nhiều cung bậc cảm xúc dành cho cả người hâm mộ lẫn các thành viên các đội bóng, và đã có rất nhiều dấu ấn sau những trận đấu này. 
Ivan Perisic chói sáng trong màu áo Croatia. (Ảnh: Hiilkubad)

Khan hiếm bàn thắng

Có lẽ điểm dễ nhận thấy nhất sau lượt trận đầu tiên của các bảng đấu là sự khan hiếm bàn thắng. Sau 36 trận đấu, chỉ có 69 bàn thắng được ghi, đạt tỷ lệ trung bình 1,92 bàn/trận - một con số thấp nhất kể từ năm 1968 của thế kỷ trước. Lý do? Đấy là bởi tại EURO 2016, theo quy chế mới của giải, ngoài 2 đội đứng đầu mỗi bảng, còn có 4 đội xếp thứ 3 có thành tích tốt nhất cũng giành được quyền vào chơi ở vòng tiếp theo (vòng 1/8), vì vậy hầu hết các đội đều thi đấu với thái độ thận trọng và chắt chiu cơ hội.

Màn trình diễn nghèo nàn, thậm chí đáng thất vọng của các ngôi sao trên hàng công cũng “góp phần” khiến các trận đấu thiếu vắng các bàn thắng. Chỉ có Gareth Bale là ngôi sao hiếm hoi đáp ứng được sự kỳ vọng của người hâm mộ khi anh đã có 3 pha lập công. Còn những ngôi sao được chờ đợi khác như Tomas Muller, Robert Lewandowski hay Zlatan Ibrahimovic đều đã không thể hiện được mình. Ngay cả ngôi sao sáng giá nhất Cristian Ronaldo cũng phải chờ đến trận thứ ba mới giải tỏa được cơn khát bàn thắng, còn ở hai trận trước đó, dù đã tung ra tới 20 cú dứt điểm, nhưng số bàn thắng của anh vẫn là con số 0 tròn trĩnh.

Mặc dù vậy, các trận đấu vẫn không hề thiếu đi sự kịch tính, đặc biệt là ở những phút cuối trận. Đã có tới 7 bàn thắng được ghi trong thời gian bù giờ ở các trận đấu và tất cả các đội ghi được bàn trong thời gian này đều không thua.

Những bất ngờ đầu tiên

Vòng bảng EURO 2016 cũng đã chứng kiến rất nhiều bất ngờ đến từ những đội bóng được coi là “lót đường”. Chắc hẳn ít ai có thể nghĩ rằng ĐT xứ Wales lại giành được ngôi đầu bảng B từ tay ĐT Anh. Hay nhà đương kim vô địch Tây Ban Nha lại gục ngã trước ĐT Croatia.

Người hùng ĐT Pháp Dimitri Payet.

Ngay cả những đội bóng lần đầu tiên tham dự giải như Iceland, Bắc Ireland hay Slovakia cũng đã giành quyền vào chơi ở vòng 1/8, dù họ bị xem là những đội bóng “chiếu dưới” ở các bảng đấu của mình. Nếu những đội bóng này tiếp tục duy trì được phong độ như ở vòng bảng, thì họ hoàn toàn có thể tạo ra thêm những cú sốc nữa ở các vòng tiếp theo.

Đội hình tiêu biểu khá “lạ”

Vòng chung kết EURO 2016 có thể được coi là một trong những kỳ EURO hấp dẫn và kịch tính nhất trong nhiều năm trở lại đây. Với số lượng được tăng từ 16 lên 24 đội tham dự, khán giả được xem nhiều trận đấu và chứng kiến nhiều cầu thủ thi đấu hơn. Vì vậy, trong đội hình tiêu biểu của vòng bảng EURO 2016 đã xuất hiện nhiều cái tên “lạ” hơn.

Đứng ở vị trí “gác đền” trong đội hình 11 cầu thủ xuất sắc nhất vòng bảng là thủ thành ĐT Bắc Ai-len Darren Randolph.  Anh đã có tới 16 pha cản phá thành công, chỉ kém duy nhất thủ thành Halldorsson của đội tuyển Iceland.

Và chính sự xuất sắc của đã giúp cho ĐT Bắc Ai-len vượt qua vòng bảng mà chỉ để thủng lưới 2 bàn. Bộ tứ ở hàng hậu vệ là 4 cái tên: Srna (Croatia), Sigurdsson (Iceland), Bonucci (Italy) và Brady (CH Ireland). Ba cái tên đầu tiên là những trụ cột ở hàng thủ của đội bóng mà họ khoác áo, còn Bradley không những thực hiện xuất sắc vai trò phòng ngự mà còn trực tiếp ghi bàn thắng quyết định trong trận đấu gặp Italy để đưa ĐT CH Ireland góp mắt ở vòng 1/8.

Vị trí trung tâm của hàng tiền vệ được dành cho Xhaka, cầu thủ chơi ổn định nhất của ĐT Thụy Sỹ, và đá cặp với anh ở tuyến giữa sẽ là hai trong số những tiền vệ xuất sắc nhất thế giới ở thời điểm hiện tại Kroos và Iniesta. Kroos là người tung ra nhiều đường chuyền nhất, còn Iniesta là linh hồn nơi tuyến giữa của nhà đương kim vô địch Tây Ban Nha.

Trên hàng công, Ivan Perisic là cái tên đầu tiên được lựa chọn sau màn trình diễn chói sáng góp công lớn giúp ĐT Croatia dẫn đầu bảng D. Dimitri Payet cũng hoàn toàn xứng đáng được vinh danh, với 2 bàn thắng quyết định vào lưới các ĐT Romania và Albania, cùng vai trò không thể thay thế trong đội hình ĐT chủ nhà Pháp. Và người nắm giữ vị trí còn lại không ai khác chính là Gareth Bale – người hùng của đội tuyển xứ Wales và hiện đang dẫn đầu bảng danh sách “Vua phá lưới”, với 3 pha lập công.

Chênh lệch nhưng khó lường

Tại vòng 1/8, Anh và Iceland có lẽ là cặp đấu chênh lệch nhất. Tuy nhiên, Iceland đã gây bất ngờ lớn nhất ở vòng bảng và hoàn toàn có thể làm điều tương tự trước ĐT Anh. Khi ĐT Iceland hạ ĐT Áo 2-1, những người mừng nhất hẳn là các thành viên ĐT Anh, bởi thay vì phải chạm trán ĐT Bồ Đào Nha, thầy trò Hodgson chỉ phải gặp chính Iceland ở vòng 1/8. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Anh sẽ dễ dàng có được chiến thắng.

Ba trận đấu tại vòng bảng cho thấy “Tam sư” luôn gặp khó khăn khi chạm trán các đối thủ thiên về phòng ngự. Trước một Slovakia thi đấu với tư tưởng cầm hòa, ĐT Anh hoàn toàn bất lực trong khâu ghi bàn. Trước ĐT Nga có hàng thủ được tổ chức tốt, họ phải cần tới một khoảnh khắc lóe sáng của Erick Dier trên chấm đá phạt mới tìm được mành lưới của đối phương và khi gặp ĐT xứ Wales đá khoáng đạt hơn, Rooney và các đồng đội cũng phải chờ tới những phút cuối mới lội ngược dòng thành công sau khi bị dẫn bàn trước. Tổng cộng, Anh mới chỉ ghi được 3 bàn dù đã thực hiện tới 65 pha dứt điểm - một hiệu suất rất tệ với một ứng cử viên vô địch.

Ở chiều ngược lại, Iceland lại là một trong những đội chơi phòng ngự hay nhất. Thủ thành Halldorsson có tới 19 pha cản phá thành công - nhiều nhất trong các thủ môn, còn hàng phòng ngự cũng chưa để đối thủ ghi quá 1 bàn ở bất cứ trận đấu nào. Chắc chắn ĐT Iceland sẽ lại áp dụng lối chơi quen thuộc của họ trong cuộc chạm trán tới với ĐT Anh. Nếu Rodgson không tìm ra phương án cải thiện phong độ cho hàng công, thì ông và các học trò sẽ phải đối mặt với một trận đấu không hề dễ chịu.