Cứ bốn năm một lần, người hâm mộ bóng đá lại được chìm đắm trong những bữa tiệc bóng đá sôi động, được “chế biến” từ những đội tuyển quốc gia hàng đầu châu Âu. Đặc biệt hơn, EURO 2020 được Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) giới thiệu là giải đấu kỷ niệm “sinh nhật” lần thứ 60 của giải bóng đá hàng đầu ở “lục địa già”.
Giải đấu “có một không hai”
Ở các kỳ trước, chỉ có 1 nước đăng cai hoặc 2 nước đồng đăng cai nhưng EURO 2020 sẽ tổ chức trên 12 sân vận động ở 12 thành phố tại 12 quốc gia châu Âu, từ ngày 12/6-12/7. Với sự thay đổi đó, không đội bóng nào được đặc cách có vé dự VCK, kể cả các nước chủ nhà đăng cai. Chính vì vậy, EURO lần thứ 16 trở thành giải đấu đặc biệt nhất lịch sử, chưa từng có tiền lệ.
Lý giải về điều đặc biệt này, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) Gianni Infantino cho hay: “EURO 2020 là giải đấu kỷ niệm 60 năm giải đấu ra đời. Giải đấu sẽ có 24 đội tuyển, vì thế đây sẽ là gánh nặng tổ chức cho một quốc gia. Việc tổ chức tại nhiều quốc gia khác nhau sẽ giúp các thành phố hoặc các nước có cơ hội trở thành một phần của sự kiện lớn như EURO, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn kinh tế khiến một quốc gia không thể đầu tư đủ cho một sự kiện lớn”.
Với các quốc gia góp công tổ chức EURO 2020, giải đấu lớn nhất châu Âu là cơ hội để họ trình diễn tình yêu bóng đá, những nét văn hóa đặc sắc nhất của mình để hút khách du lịch. Với đa dạng địa điểm thi đấu, đây sẽ là ngày hội thực sự của toàn châu Âu.
Tác động đến môi trường
Sáng kiến mở rộng quy mô giải bóng đá đỉnh cao châu Âu của cựu Chủ tịch UEFA Michel Platini ban đầu được đón nhận như là một cuộc cách mạng đem lại cơ hội đón ngày hội bóng đá cho mọi quốc gia. Nhưng giờ đây mô hình giải đấu lớn đang bị các nhà bảo vệ môi trường chỉ trích gay gắt vì nguy cơ gây phát thải lớn khí gây hiệu ứng nhà kính làm Trái đất bị nóng lên, góp phần vào quá trình biến đổi khí hậu.
Ví dụ, cổ động viên Ba Lan nếu muốn ủng hộ đội tuyển nước nhà trong ba trận đấu của vòng bảng, họ sẽ phải di chuyển hơn 6.000 km trong vòng 10 ngày, từ Ba Lan đến, Dublin (Ireland) rồi đến Bilbao (Tây Ban Nha) và sau cùng là lại quay lại Ireland. Đó là chưa kể đến, trận chung kết được tổ chức ở thành phố Baku (Azerbaijan), cách London gần 5.000 km.
So sánh với thể thức cũ 4 năm trước, EURO 2016 tổ chức tại Pháp, các cổ động viên chỉ cần một chiếc vé máy bay khứ hồi tới Pháp, rồi theo dõi các trận đấu bằng cách di chuyển bằng tàu điện đến 10 thành phố tổ chức là đủ.
Karima Delli, một nghị sĩ đảng Xanh người Pháp, Chủ tịch Ủy ban Giao thông và Du lịch của Nghị viện châu Âu lên tiếng phản đối nặng nề sáng kiến này. Bà cho rằng với thể thức mới của EURO 2020, UEFA đang thể hiện tính thống nhất, đoàn kết của châu Âu nhưng lại quên rằng, bảo vệ môi trường mới đang là vấn đề khẩn cấp.
EURO mới nâng thành phần dự giải từ 16 lên 24 đội cách đây 4 năm. Còn FIFA cũng dự định nâng số đội tham dự World Cup từ 32 lên 48 đội. Việc mở rộng quy mô giải đấu lại đang trở thành một vấn đề gây tranh cãi trong việc bảo vệ môi trường.
Phản ứng của UEFA
UEFA nhiều lần khẳng định họ đã tính toán kỹ càng về vấn đề này và đang thực hiện tất cả các bước để đảm bảo rằng EURO 2020 là giải đấu có ý thức nhất về bảo vệ môi trường của Liên đoàn từ trước đến nay.
Thật vậy, theo lập luận của UEFA, các yếu tố gây ô nhiễm chính là hạ tầng cơ sở và giao thông, vì thế các đội tuyển mạnh như Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Italy… có khả năng đi xa trong giải sẽ chủ yếu thi đấu trên sân nhà ở vòng bảng nhằm hạn chế sự di chuyển của các CĐV cuồng nhiệt.
Theo ông Andrew Walfle, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Manchester (Anh), trong các giải thể thao lớn, xây dựng mới là tác nhân gây ô nhiễm trầm trọng chứ không phải là giao thông. UEFA cho biết chỉ có một sân vận động được xây mới ở Budapest (Hungary). Như vậy, EURO 2020 đã giảm phát thải ô nhiễm rất nhiều so với giải đấu khác, như giải World Cup 2022 tại Qatar, nơi toàn bộ hệ thống sân vận động đều được xây mới để phục vụ sự kiện.
Ngoài ra, UEFA ước tính sẽ có khoảng 425.000 tấn CO2 thải ra ngoài khí quyển do việc di chuyển của các cổ động viên và đội bóng trong thời gian diễn ra EURO 2020. Trong khi đó, kỳ EURO 2016 ở Pháp thải ra tận 517.000 tấn CO2 và gần 1,5 triệu tấn tại World Cup 2018 ở Nga.
Không những vậy, UEFA cũng đã có biện pháp “bồi thường phát thải” bằng cách đầu tư vào các dự án nhằm giảm phát thải gây ô nhiễm và trồng 50 nghìn cây xanh ở mỗi nước tổ chức giải đấu. UEFA dự tính sẽ cung cấp phương tiện công cộng cho khán giả và thực hiện các biện pháp tái chế.
Bóng đá vẫn được coi là môn thể thao vua, thu hút được lượng lớn khán giả và là một ngành đem lại lợi nhuận khổng lồ. Tuy nhiên, chính bản thân Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin phải tự thừa nhận rằng bóng đá vẫn chưa mang lại nhiều điều tích cực cho môi trường và là một trong những khía cạnh kém bền vững nhất của bộ môn này.