📞

Eurozone trước ngã ba đường

14:25 | 14/10/2017
Tương lai của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang trở thành một bài toán khó cho các nhà hoạch định chính sách của Liên minh châu Âu (EU).

Sau một năm thăng trầm, chính trị EU dường như đang lấy lại cân bằng. Tại Đức, bà Angela Merkel vẫn vững vàng với vị trí Thủ tướng sau cuộc bầu cử ngày 24/9 vừa qua. Ở Pháp, một trụ cột khác của EU, chính quyền của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang dần “đi vào quỹ đạo”. Trong khi đó, Anh gần như chắc chắn rời EU và sẽ không còn vai trò đáng kể trong các kế hoạch sắp tới của Khối này.

Ở thời điểm này, điều mà các nhà hoạch định chính sách của EU đang kiếm tìm là một tầm nhìn vững chắc về tương lai của Khối nói chung và Eurozone nói riêng. Một vài giả thuyết đã được đưa ra.

Ảnh minh họa. (Nguồn: WSJ)

Đầu tiên, EU có thể trở thành một “liên minh thống nhất” như Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker mô tả, trong bài phát biểu kêu gọi đoàn kết hậu Brexit tháng Chín. Ông Juncker phản đối một châu Âu “đa tốc độ” và mong muốn tất cả các nước thành viên cùng nhau tiến những bước “chậm mà chắc”. Điều này đồng nghĩa với việc mở rộng khu vực tự do di chuyển Schengen tới nhiều nước khác, bao gồm Bulgaria và Romania. Chủ tịch EC cũng kêu gọi hướng tới một hệ thống tiêu chuẩn chung về các chính sách lao động và xã hội.

Đối với đồng Euro, ông Juncker nhấn mạnh rằng đây là một đồng tiền chung chứ không chỉ dành cho một số nước thành viên. Tuy nhiên, thực hiện tầm nhìn này đòi hỏi EU xây dựng ngân hàng liên minh với sự phê chuẩn của tất cả các nước thành viên. Bên cạnh đó, ông Juncker cũng cho rằng Ủy viên các vấn đề kinh tế và tài chính của EU nên nắm giữ vị trí Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính EU. Cuối cùng, EU nên xem xét chuyển đổi Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) thành Quỹ tiền tệ của EU (EMF).

Trong khi cách tiếp cận có phần “cứng nhắc” của Juncker đang gây nhiều tranh cãi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra một viễn cảnh khác “mềm” hơn về tương lai châu Âu. Nhà lãnh đạo Pháp đồng ý với nhiều đề xuất của Chủ tịch EC về thiết lập ngân sách chung, với một Bộ trưởng Tài chính và lực lượng quốc phòng cho toàn EU. Tuy nhiên, khác với ông Juncker, ông Macron sẵn sàng chấp nhận một châu Âu phát triển đa tốc độ. 

Viễn cảnh thứ ba cũng được nhiều người nhắc tới là giữ nguyên hiện trạng khu vực đồng Euro. Ở thời điểm hiện tại, bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang khởi sắc trở lại, yêu cầu về hội nhập cũng như sự phân rẽ trong liên minh tiền tệ đã giảm đi. Trong khi đó, tăng trưởng GDP của Eurozone đạt 2% và tỷ lệ thất nghiệp đang tiếp tục giảm.

Do đó, nhiều nhà hoạch định chính sách cho rằng có thể gác lại ý định cải cách châu Âu, để dành sự chú ý cho những lĩnh vực trọng tâm khác như năng lượng, kỹ thuật số và người nhập cư. Tuy nhiên, việc giữ nguyên trạng cũng không phải là giải pháp bền vững, nhất là khi Eurozone đang tồn tại lỗ hổng lớn trong cân bằng tỉ giá hối đoái với các nước trong khu vực.

Một lựa chọn thực tế hơn cũng được đề cập là xây dựng một Eurozone đa tốc độ. Theo đó, các nước trong khu vực vẫn tiếp tục phát triển theo tiềm lực của mình, trong khi các nước còn lại sẽ “tạm chờ”. Đây không phải là phương án hoàn hảo, nhưng có lẽ nó sẽ là giải pháp phù hợp cho tình trạng của khu vực Eurozone hiện nay.