📞

EVFTA: Cú hích giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa

16:54 | 21/12/2016
Việc thu hút đầu tư từ Liên minh châu Âu – một đối tác có nguồn vốn dồi dào, nguồn công nghệ cao, thị trường phát triển và là một trong những thị trường lớn nhất thế giới sẽ là cú hích giúp Việt Nam đẩy nhanh có hiệu quả tiến trình công nghiệp hóa.  

Đây là khẳng định của ông Bùi Huy Sơn – Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) bên lề Hội thảo “EVFTA: Cơ hội thu hút đầu tư vào công nghiệp tại Việt Nam” diễn ra ngày 20/12 tại Hà Nội.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ mang lại những cơ hội nào cho Việt Nam và EU, thưa ông?

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu là hiệp định có phạm vi rất rộng và mức độ cam kết rất cao. Có thể nói, cho đến thời điểm này, đây là hiệp định thương mại tự do có phạm vi rộng nhất.

Việt Nam đã kết thúc đàm phán EVFTA với Liên minh châu Âu từ cuối năm 2015 và đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục rà soát các lĩnh vực để sớm ký kết hiệp định vào năm 2017. Dự kiến, khi Hiệp định có hiệu lực vào năm 2018, Hiệp định sẽ góp phần tăng cường hoạt động đầu tư giữa Việt Nam và EU, thúc đẩy quá trình cải cách cơ cấu kinh tế ở Việt Nam cũng như cải cách thể chế. Từ đó, góp phần tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ nền kinh tế trong nước, đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế không chỉ với quan hệ với Liên minh châu Âu mà còn với các đối tác khác.

Với EVFTA, Việt Nam không chỉ cam kết mở cửa thị trường nhằm đảm bảo một môi trường cạnh tranh, bình đẳng để thu hút các nhà đầu tư châu Âu mà đây còn là lần đầu tiên Việt Nam cam kết thực hiện cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và Nhà nước. Khi đó, một doanh nghiệp cụ thể có thể kiện các quyết định của cơ quan Nhà nước nếu thấy bất hợp lý. Đây chính là bước chuyển biến căn bản trong môi trường đầu tư của Việt Nam.

Bên cạnh đó, tính minh bạch và điều kiện cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà đầu tư cũng được nâng lên với cấp độ chưa từng có. Lần đầu tiên trong một hiệp định thương mại tự do có những cam kết về hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước.

Đặc biệt, các nhà đầu tư châu Âu có thể hoàn toàn yên tâm khi đầu tư vào Việt Nam khi tài sản sở hữu trí tuệ của các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam sẽ được bảo hộ ngang bằng với các tiêu chuẩn của thế giới.

Ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương). (Ảnh: D.T)

Ông đánh giá như thế nào về triển vọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp sau khi EVFTA được ký kết?

Đối với EVFTA, chúng ta có nhiều cam kết trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Những cam kết này đều có tác động tích cực dù trực tiếp hay gián tiếp trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nhờ đó giúp thu hút đầu tư từ Liên minh châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp.

Việt Nam đang tích cực thực hiện tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa, cải cách cơ cấu kinh tế, khuyến khích hoạt động sản xuất công nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất cũng như xuất khẩu. Để thực hiện mục tiêu đó, việc thu hút đầu tư từ Liên minh châu Âu – một đối tác có nguồn vốn dồi dào, nguồn công nghệ cao, thị trường phát triển và là một trong những thị trường lớn nhất thế giới, sẽ là cú hích giúp Việt Nam đẩy nhanh có hiệu quả tiến trình công nghiệp hóa.

Về đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, chúng ta cần đánh giá một cách rộng hơn, không chỉ dừng ở việc đầu tư vào các nhà máy, xí nghiệp, các đơn vị sản xuất mà còn là các loại hình đầu tư hỗ trợ như hoạt động tư vấn thiết kế, hoạt động chuyển giao công nghệ, hoạt động phát triển công nghiệp môi trường.

Đáp ứng mục tiêu này, EVFTA có rất nhiều cam kết ở các lĩnh vực khác nhau, nhằm tạo ra một môi trường đầu tư cạnh tranh cho các nhà đầu tư châu Âu, một môi trường thương mại thuận lợi để họ tiêu thụ sản phẩm sau khi đầu tư sản xuất tại Việt Nam và một môi trường chính sách thông thoáng, chặt chẽ, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế để bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các nhà đầu tư châu Âu.

Tôi nghĩ một loạt cam kết khác nhau về cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, thủ tục hải quan, thuận lợi hóa thương mại, mở rộng thị trường và rất nhiều cam kết khác liên quan đến môi trường cũng như điều kiện cạnh tranh với các doanh nghiệp Nhà nước sẽ là đảm bảo toàn diện cho các nhà đầu tư châu Âu khi muốn đầu tư tại Việt Nam. Hiện nay chúng ta đã thu hút khoảng 23 tỷ USD vốn đầu tư từ châu Âu. Đây là con số không nhỏ, khẳng định sức hút của môi trường đầu tư tại Việt Nam. Vì vậy, tôi tin rằng, sau khi EVFTA có hiệu lực, sức hút đó sẽ còn tăng lên rất nhiều.

Trong các quy định thuộc khuôn khổ EVFTA, quy tắc xuất xứ hàng công nghiệp cũng là quy tắc được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu quan tâm. Vậy ông có lời khuyên nào dành cho các doanh nghiệp?

Về quy tắc xuất xứ, không chỉ riêng hiệp định với EU mà với tất cả các hiệp định đều có vị trí hết sức quan trọng. Đó là điều kiện rất quan trọng, là cơ sở của những ưu đãi về thuế về mở rộng thị trường, kèm theo đó là những ưu đãi về đầu tư sẽ được hiện thực hóa.

Tôi khuyến nghị các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu hãy nghiên cứu một cách kỹ lưỡng các cam kết, các quy định rất cụ thể về xác định xuất xứ với các sản phẩm.

Tôi chỉ xin lưu ý rằng khi đàm phán EVFTA, chúng ta đã đàm phán thành công cam kết cho phép cộng gộp quy tắc xuất xứ phần nguyên liệu từ các nước ASEAN khác, đặc biệt là từ các nước đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) với châu Âu và cả Việt Nam, cụ thể ở đây là Singapore và Hàn Quốc.

Đầu tư từ châu Âu gia tăng sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa. (Nguồn: Báo Công Thương)

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, để tận dụng hiệu quả các cơ hội do các FTA mang lại, cần có sự liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước. Vậy sắp tới Bộ Công thương và Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu (EU- MUTRAP) đã có những hoạt động gì để thúc đẩy mối liên kết này?

Dự án EU- MUTRAP đã triển khai rất nhiều hoạt động khác nhau nhằm gắn kết các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp châu Âu, hướng tới mục tiêu chung là tăng cường hoạt động thương mại tự do giữa Việt Nam và châu Âu nói riêng và giữa Việt Nam với các nước nói chung.

Chúng tôi thường xuyên chia sẻ thông tin, tổ chức các đợt tập huấn, đào tạo và tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp, các địa phương trong cả nước, tổ chức các đoàn nghiên cứu khảo sát thị trường sang EU.

Trong khuôn khổ dự án, phía EU – MUTRAP thường xuyên triển khai các tiểu dự án, trong đó có tiểu dự án về phát triển công nghiệp hỗ trợ, xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu, kết nối các doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam và EU.

Đồng thời, dự án cũng hỗ trợ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận gần hơn, gắn kết hơn với các nhà đầu tư châu Âu cũng như các khách hàng của châu Âu.

Xin cám ơn ông!