📞

EVFTA: Giảm thuế rồi, điều gì quan trọng nhất đối với doanh nghiệp?

Gia Thành 21:19 | 14/02/2020
TGVN. Sau hành trình 10 năm nỗ lực để hạ cánh thành công ‘chuyến bay’ mang tên EVFTA, Việt Nam vẫn sẽ phải đối mặt với hành trình gian nan hơn cả đó là làm thế nào để hiện thực hóa ‘chuyến bay’ đó.    
Với EVFTA, Việt Nam quốc gia đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU. (Nguồn: Dauthau)

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được Nghị viện châu Âu thông qua vào ngày 12/2. Việc Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA giúp Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU).

EVFTA khi có hiệu lực sẽ xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế theo lộ trình, tạo thuận lợi cho các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường EU hiện nay của Việt Nam.

Cơ hội để “chuyển mình”

Tại Tọa đàm với chủ đề: “EVFTA: Hành trình một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ” do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức chiều 14/2, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) của Việt Nam và EU đóng vai trò như “hòn đá tảng” trong chính sách về kinh tế, thương mại. Theo đó, khi có hiệu lực, hai Hiệp định này sẽ tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận thị trường hàng đầu thế giới.

Bên cạnh đó, ông Vũ Tiến Lộc nhận thấy, việc mở cánh cửa ra thị trường EU cũng giúp cho Việt Nam có thêm cơ cấu xuất nhập khẩu, cơ cấu đầu tư, cơ cấu kinh tế tự chủ, bớt lệ thuộc vào các thị trường truyền thống và đảm bảo cho nền kinh tế của Việt Nam có thể phát triển bền vững trong tương lai.

Theo Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Hiệp định EVFTA mở ra một cơ hội rộng lớn cho ngành nông nghiệp bởi đây là một thị trường lớn với GDP đứng thứ 4 thế giới và hàng năm, lượng nhập khẩu nông sản của họ khoảng 150 tỷ USD.

Hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu trên toàn cầu mới được trên 40 tỷ USD và xuất khẩu sang EU mới khoảng trên 5 tỷ USD. Vì vậy, Việt Nam còn rất nhiều dư địa để đưa nông sản Việt “cất cánh” tại thị trường EU.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho hay, người dân ở EU có mức thu nhập cao, họ sẽ sẵn sàng chi trả cho những mặt hàng chất lượng tốt, tiêu chuẩn cao với giá thành cao hơn. Đây là một cơ hội tốt để ngành nông nghiệp Việt Nam có thể “chuyển mình” không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng để theo đúng định hướng tái cơ cấu nông nghiệp hướng tới một nền nông nghiệp có giá trị cao, chất lượng tốt, bền vững về môi trường và hướng tới con người hơn.

Về vấn đề lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, người lao động sẽ là đối tượng được hưởng lợi. Họ sẽ có thêm việc làm bền vững hơn và có thu nhập cao hơn.

Còn theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái, Việt Nam hiện nay là nhà xuất khẩu đứng thứ 2 trong ASEAN và khu vực EU chỉ sau Singapore rõ ràng sau một thời gian hội nhập thì cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã vươn lên, nếu như có Hiệp định EVFTA, Việt Nam sẽ có cơ sở để vươn xa hơn nữa.

Các đại biểu nhất trí rằng, khi EVFTA có hiệu lực vẫn còn thách thức ở phía trước đang chờ Việt Nam. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Hành trình gian nan phía trước

Sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, ngay lập tức có đến 70% mặt hàng được giảm thuế, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,7% số dòng thuế. Đây là lợi thế vô cùng lớn dành cho Việt Nam nhưng để hiện thực hóa Hiệp định này vẫn còn một hành trình vô cùng gian nan.

Theo ông Lương Hoàng Thái, có hai thách thức dành cho Việt Nam. Thứ nhất, khi Việt Nam quyết định thông thương với một trong những thị trường lớn mà có năng lực cạnh tranh cao như EU thì một số ngành kinh tế sẽ phải cạnh tranh trên cơ sở bình đẳng.

Thứ hai, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội như thế nào từ thị trường EU - thị trường có yêu cầu đòi hỏi rất cao cả về chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất ra những hàng hóa.

Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Việt Nam cần phải vượt qua những thách thức như: quy định về xuất xứ hàng hóa, hàng rào kỹ thuật và quy định về vệ sinh dịch tễ và các biện pháp phòng vệ thương mại từ phía EU.

“Nền tảng của tất cả là năng lực cạnh tranh của hàng hóa, trong khi đó, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam hiện đang mức trung bình của thế giới. Doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh với châu Âu đồng nghĩ với việc sẽ phải cạnh tranh với những doanh nghiệp có năng lực hàng đầu thế giới. Vì thế, việc nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm hàng hóa của Việt Nam là quan trọng nhất. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh thì phải quay trở lại cải thiện môi trường kinh doanh và để làm được điều này, phải bắt đầu từ thể chế”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI cho rằng, thể chế sẽ là chìa khóa cho mọi vấn đề. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói, thể chế là nhiệm vụ trung tâm của cơ quan Chính phủ. Khi Chính phủ tạo điều kiện về thể chế thì doanh nghiệp sẽ hăng hái sản xuất kinh doanh, sẽ có những cách thức huy động nguồn lực và sự nghiệp giáo dục đào tạo để thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Do đó, Chủ tịch VCCI bày tỏ mong muốn, Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc thúc đẩy cải cách thể chế, đồng thời các cấp, ngành cần nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn nữa để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian của thủ tục hành chính.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình, phải đổi mới mô hình kinh doanh, chiến lược kinh doanh, phải làm ăn dài hạn, đặc biệt là hướng tới phát triển bền vững. Có như vậy, doanh nghiệp Việt Nam mới có thể tạo dựng được nền tảng tương tác vững chắc với thị trường EU nói riêng và thị trường thế giới nói chung trong bối cảnh mới.

(tổng hợp)