📞

EVFTA khiến Việt Nam thành điểm đến kinh doanh hứa hẹn nhất Đông Nam Á

17:39 | 02/03/2017
Đây là khẳng định của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Michael Behrens tại Lễ công bố Sách Trắng 2017 sáng 2/3 tại Hà Nội.

Theo Chủ tịch EuroCham Michael Behrens, ấn phẩm Sách Trắng lần thứ 9 là hiện thực hóa sứ mạnh cốt lõi của EuroCham trong việc hỗ trợ chính sách và tổng hợp thành quả hàng năm của EuroCham với vai trò cầu nối đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ.

Tương tự, các năm trước, ấn phẩm Sách Trắng tập hợp những quan ngại và kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, gửi gắm thông điệp chung từ nhiều ngành nghề và doanh nghiệp khác nhau cũng những kỳ vọng và khuyến nghị của các thành viên và đối tác của EuroCham. Ấn phẩm cũng thảo luận 3 vấn đề chính được mỗi tiểu ban ngành nghề quan tâm nhất. Đây là những vấn đề mà phía cộng đồng doanh nghiệp châu Âu cho rằng Chính phủ nên ưu tiên giải quyết trong năm 2017 và sau này.

Trong ấn phẩm Sách Trắng năm nay, EuroCham cũng dành riêng một chương đề cập tới Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) cũng như việc thực thi và tác động của Hiệp định này đến hoạt động kinh doanh.

Thảo luận chuyên đề trong khuôn khổ Lễ công bố Sách Trắng 2017. (Ảnh: Ly Ly)

Điểm đến hấp dẫn của FDI

Một trong những yếu tố khiến thị trường Việt Nam hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư châu Âu, theo Sách Trắng, là do Chính phủ luôn hoan nghênh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các hoạt động sản xuất. Lộ trình mở cửa dần hầu hết các ngành dịch vụ theo lộ trình cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam bắt đầu từ năm 2007 đã được hoàn tất vào năm 2015.

“Trong một số lĩnh vực, pháp luật trong nước đã nới rộng khả năng tiếp cận thị trường còn vượt ra ngoài các cam kết WTO như nới tỷ lệ cổ phần nắm giữ tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trong công ty đại chúng từ mức 49% lên tới 100%. Ngoài ra, Việt Nam cũng áp dụng các ưu đãi đầu tư như cắt giảm thuế trong một số lĩnh vực như công nghệ cao, công nghệ môi trường, nông nghiệp” – Sách Trắng dẫn chứng.

Cũng theo Sách Trắng, một trong những yếu tố không kém phần quan trọng là Việt Nam đã ban hành “danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh” trong chính sách đầu tư. Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài được phép đầu tư vào tất cả các ngành và lĩnh vực, trừ sáu ngành trong danh mục cấm. Không những thế, danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với đầu tư nước ngoài cũng đã được thu hẹp từ 391 còn 267 ngành vào tháng 7/2015 và còn 243 ngành vào tháng 11/2016.

Các chuyên gia nhận định, đây là những cải cách tích cực giúp Việt Nam không chỉ thu hút nhiều vốn FDI từ EU mà còn từ nhiều nước khác.

Môi trường kinh doanh thay đổi tích cực

Sách Trắng đánh giá cao những nỗ lực thay đổi tích cực của Việt Nam trong xây dựng một Chính phủ mới với các giá trị ưu tiên như Chính phủ liêm chính, phát triển bền vững với tinh thần, phục vụ người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Những thay đổi này đã được cụ thể hóa trong một loạt Nghị quyết của Chính phủ nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật và thủ tục hành chính quốc gia, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi, khuyến khích đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Họp báo Lễ công bố Sách Trắng 2017. (Nguồn: Bizlive)

Hơn thế, kể từ tháng 7/2015, một số luật và quy định điều chỉnh các vấn đề về đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp, bất động sản và giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đã có hiệu lực thi hành.

Một số luật như Luật Đầu tư mới và Luật Doanh nghiệp mới đã làm rõ các khái niệm về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A), giảm số lượng các lĩnh vực ngành nghề cấm kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện, rút ngắn thời gian cấp phép theo luật định...

EVFTA sẽ là Hiệp định dẫn chiếu trong hội nhập thương mại

Sách Trắng 2017 của EuroCham đánh giá, EVFTA là Hiệp định đầu tư thương mại toàn diện và tham vọng nhất mà EU từng ký kết với một quốc gia đang phát triển. Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 15.000 tỷ USD (chiếm 22% tổng GDP toàn cầu). Ngược lại, các nhà đầu tư, xuất khẩu từ EU cũng có nhiều cơ hội hơn để thâm nhập thị trường của một quốc gia thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực với dân số hơn 90 triệu người.

“Tiền lương thực tế của lao động tay nghề cao có thể sẽ tăng 12% và có thể tăng tới 13% với lao động phổ thông. Kinh tế vĩ mô sẽ được ổn định và tỷ lệ lạm phát được kiểm soát. Hoạt động kinh doanh của Việt Nam sẽ bùng nổ trong vài năm tới khi EVFTA chính thức có hiệu lực và khi các chính sách của Nhà nước cũng như quá trình cải cách thể chế bắt đầu phát huy được các hiệu ứng tích cực” – Sách Trắng dự báo.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, EU là một trong các đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy năm 2016, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất khẩu gần 34 tỷ USD, chiếm trên 19% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Trong bối cảnh EVFTA đã được ký kết, đang trong quá trình rà soát pháp lý, dự kiến sẽ được phê chuẩn và có hiệu lực vào năm 2018, Bộ Công Thương sẽ nỗ lực hết mình để cải thiện nội lực, phát triển môi trường kinh doanh.

“Qua đây, vị thế của Việt Nam cũng sẽ được nâng tầm hơn trong quan hệ thương mại quốc tế cũng như với EU nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp châu Âu đang kinh doanh tại Việt Nam”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định.

Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người. (Nguồn: Saigon Times)

Còn Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhận định, Việt Nam đặt nhiều kì vọng vào Hiệp định EVFTA và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không chỉ vì quy mô đặc biệt lớn của thị trường của các nước đối tác, cơ hội tăng trưởng thương mại, mà còn là cơ hội hiện thực hóa các tiêu chuẩn hiện tại về thể chế kinh tế theo xu hướng thế giới.

“Bản thân EVFTA vốn là một kì vọng lớn của Việt Nam, với việc mở ra con đường ưu tiên lần đầu cho hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường 28 nước thành viên của EU, đồng thời là đòn bẩy quan trọng cho tiến trình cải cách thể chế trong nước của Việt Nam”, ông Lộc cho hay.

Đánh giá về tầm quan trọng của EVFTA, Chủ tịch EuroCham Michael Behrens cho rằng, tương lai của TPP đang trở nên khó đoán định nên EVFTA có khả năng sẽ trở thành Hiệp định dẫn chiếu trong quá trình hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam trong năm 2017 và sau này.

"EVFTA cũng sẽ khiến Việt Nam trở thành điểm đến kinh doanh hứa hẹn nhất tại khu vực Đông Nam Á cho các doanh nghiệp châu Âu. Điều này không chỉ vì Việt Nam có tiềm năng mà còn là đầu mối của thị trường ASEAN trong tương lai”, ông Michael Behrens nhấn mạnh.