Đại sứ Phạm Sanh Châu tại Hội nghị xúc tiến thương mại và đầu tư trực tuyến. |
Tại Hội nghị xúc tiến thương mại và đầu tư trực tuyến với chủ đề "Thương mại và đầu tư Việt Nam-Ấn Độ trong trạng thái bình thường mới" được tổ chức chiều 17/6 tại các điểm cầu Hà Nội, New Delh và TP. Hồ Chí Minh, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết, theo tính toán của các chuyên gia, Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18-3,25% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện; 4,57-5,30% cho giai đoạn 5 năm tiếp theo và 7,07-7,72% cho giai đoạn 5 năm sau đó.
Về xuất khẩu, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.
Với việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Đầu tư, Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết cải tổ về tạo điều kiện trong kinh doanh, hoàn thiện và sửa đổi quy định về môi trường đầu tư.
Những điểm mới trong các đạo luật này như: Tiếp tục cắt giảm 22 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhằm góp phần xóa bỏ rào cản trong hoạt động kinh doanh; bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà luật không cấm; bổ sung một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư như hoạt động đổi mới sáng tạo; sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành... sẽ là cơ hội tốt để các nhà đầu tư nước ngoài, không chỉ tà Ấn Độ đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
Nói thêm về cơ hội hợp tác phát triển chuỗi giá trị sản xuất, xuất khẩu giày dép, hàng may mặc và đồ nội thất, hợp tác khai thác và nuôi trồng thủy hải sản giữa Việt Nam và Ấn Độ, Đại sứ Phạm Sanh Châu cho hay, với hàng may mặc và hải sản, Ấn Độ và Việt Nam có thị phần gần như bằng nhau tại thị trường EU nhưng Việt Nam sẽ được hưởng lợi thuế nhập khẩu giảm xuống 0% theo FTA trong khi Ấn Độ tiếp tục phải chịu mức thuế 9% với hàng may mặc và 6% với hải sản. Về giày dép, Việt Nam được giảm thuế từ 8% xuống còn 0%.
Tương tự, trong ngành nội thất, Ấn Độ đang bắt đầu xâm nhập vào thị trường EU với lượng xuất khẩu 900 triệu USD và Việt Nam là 1,5 tỷ USD. Cách biệt sẽ được gia tăng gấp nhiều lần khi Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu 6% theo EVFTA. Việt Nam, nước đã tụt lại so với Ấn Độ tại thị trường EU vài năm trước gần như đã đuổi kịp Ấn Độ. Trong năm 2019, xuất khẩu Việt Nam vào EU đạt 53 tỷ USD so với 58 tỷ USD từ Ấn Độ.
Các đại biểu tham gia Hội nghị trực tuyến. |
Tại Hội nghị, ông Đỗ Quốc Hưng Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) cả trong khu vực và trên thế giới, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA. Các thỏa thuận này mang lại cơ hội không chỉ cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường mà còn là cơ hội cho các doanh nghiệp Ấn Độ tăng cường hợp tác với đối tác Việt Nam, tiến vào thị trường Việt Nam và tiếp cận các khu vực khác thông qua Việt Nam.
Theo bà Lê Thị Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 5, Ấn Độ có 275 dự án đầu tư với tổng vốn gần 900 triệu USD, đứng thứ 26/136 quốc gia và vũng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo bà Vân, con số này vẫn hết sức khiêm tốn so với tiềm năng của mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước. "Trong thời gian tới, để thúc đẩy quan hệ hợp tác, đầu tư và phát triển, hai bên cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến nhằm quảng bá môi trường đầu tư của Việt Nam và Ấn Độ đến với các doanh nghiệp trong khu vực, tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp hai nước để đẩy mạnh quan hệ thương mại và hợp tác kinh doanh song phương", bà Vân nhấn mạnh.
Với mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng với Ấn Độ, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) - thuộc UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong trạng thái "bình thường mới" hiện nay, Việt Nam được biết đến như một nơi đầu tư, kinh doanh an toàn và ổn định, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh.
Thành phố thu hút dự án đầu tư nước ngoài nhiều nhất cả nước do có vị trí địa lý thuận lợi; là trung tâm kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; có nền kinh tế năng động với nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng; là thị trường tiêu thụ sản phẩm lớn của cả nước. Vì vậy, cùng với cả nước, nhà đầu tư có thể tận dụng cơ hội từ các FTA khi đầu tư, kinh doanh tại thành phố.
Phát biểu tại Hội nghị, các đại diện của Ấn Độ như ông Mr Devin Narang, lãnh đạo Công ty Năng lượng tái tạo Sindicatum Anuj Kacke, Chủ tịch tập đoàn Aptech đã có hơn 15 năm kinh nghiệm kinh doanh với Việt Nam trong lĩnh vực đào tào và công nghệ thông tin; ông Harjit Singh Juneja, Giám đốc phụ trách thương mại quốc tế của Công ty dầu khí Hindustan Petroleum đã đánh giá cao và chúc mừng Việt Nam kiểm soát tốt được đại dịch Covid-19, khôi phục và phát triển kinh tế.
Hội nghị cũng đã trao đổi và thảo luận nhiều nội dung liên quan đến tác động đại dịch Covid-19 tới kinh tế thế giới trong đó có Việt Nam, Ấn Độ cũng như quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương; các kịch bản tăng trưởng kinh tế của hai nước thời gian tới; các chính sách, biện pháp ứng phó với khủng hoảng, thúc đẩy phát triển kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp hai bên; trạng thái "bình thường mới"; các biện pháp đảm bảo tính liên tục và thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ; các lĩnh vực, ngành nghề trọng tâm và các cơ hội hợp tác, kinh doanh trong thời gian tới.