Những hình ảnh cảnh báo về dịch Ebola được vẽ trên một bức tường ở Thủ đô Monrovia. (Nguồn: Getty Images) |
Hai tháng sau khi Liberia tái tuyên bố dập tắt được Ebola, bóng ma dịch bệnh này vẫn bao phủ lên đất nước Tây Phi. Dù vậy, cuộc sống cũng dần đi vào ổn định, khi các trường học và chợ mở cửa trở lại, người dân được cung cấp thức ăn và đón tiếp du khách với sự thân thiện và niềm nở vốn có.
Trước đó, vào lúc cao điểm của dịch bệnh khiến 4.800 người chết tại Liberia, Bệnh viện Dòng Chúa cứu thế (Redemption) tại Thủ đô Monrovia đã đón nhận hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày. Nguồn cung cấp thuốc sát trùng clo trở nên khan hiếm, các trang thiết bị bảo vệ cũng sơ sài, trong khi rác thải chất đầy ở sân. 12 nhân viên y tế của bệnh viện này đã thiệt mạng vì sự thiếu hiểu biết. Bởi lẽ, họ chỉ rửa tay bằng “nước thánh” và không thực hiện việc cách ly bệnh nhân. Bà Jude Senkungu, một bác sĩ người Uganda đang làm việc cho Hội đồng Cứu hộ Quốc tế (IRC) cho rằng: “Dịch Ebola đã thay đổi sâu sắc nhận thức và hành động của Liberia”.
Hiện nay, Liberia đang tích cực cải thiện hệ thống y tế yếu kém nhằm ngăn chặn tái bùng phát dịch Ebola. Theo Thứ trưởng Y tế Francis Kateh, hơn nửa triệu trẻ em Liberia đã được tiêm vaccine phòng bệnh. Đây là một con số đáng mơ ước đối với các quốc gia láng giềng của Liberia như Guinea hay Sierra Leone.
Tuy nhiên, sẽ là quá sớm khi cho rằng, mọi khó khăn đều đã qua đi. Các bệnh viện tại Liberia buộc phải từ chối các bệnh nhân vì không có đủ chỗ cho họ. Khoảng 10% bác sĩ tại Liberia đã thiệt mạng vì dịch Ebola, trong khi số lượng bác sĩ tại nước này vốn đã rất ít ỏi. Các nhà chuyên môn quan ngại, hệ thống y tế cũ kĩ của Liberia sẽ tiếp tục vận hành như thế nào một khi cộng đồng quốc tế kết thúc viện trợ?
Bên cạnh đó, các vấn đề xã hội tồn tại dai dẳng từ lâu cũng trở nên nhức nhối hơn, chẳng hạn như đói nghèo hay việc trẻ em thất học. Ở thị trấn Dolos, một khu vực ở ngoại ô Monrovia, nhiều bậc phụ huynh cho biết, họ không đủ tiền để đóng tiền học phí cho con mình. Trong bối cảnh đó, tổ chức thiện nguyện Street Child (Trẻ em đường phố) cho biết, số lượng trẻ em phải lao động chân tay để kiếm thêm thu nhập cho gia đình đang tăng cao. Ngoài ra, tình hình tội phạm ở Liberia cũng diễn biến phức tạp. Tình trạng các em gái vị thành niên mang thai trở nên khá phổ biến. Một nhà ngoại giao Liberia nhận định, nước này “đã bị thụt lùi ba năm trên lộ trình phát triển”.
Quang Chinh (theo The Economist)