📞

Exoskeleton: Giải pháp cho người tàn tật

14:40 | 04/01/2019
Các công ty sản xuất bộ đồ Exoskeleton đang hy vọng các “bộ giáp máy” có thể sớm phổ biến như xe lăn nhằm giúp đỡ người tàn tật có được cuộc sống bình thường.

Khung xương trợ lực (Exoskeleton) là tên gọi cho những thiết bị đặc biệt được chế tạo nhằm bổ trợ sức mạnh và khả năng cho con người. Nó còn có tác dụng như một bộ giáp bảo vệ cơ thể.

Bộ đồ “siêu nhân”

Nâng những vật nặng gấp hàng chục lần trọng lượng cơ thể, chạy nhanh như xe máy... là những khả năng tưởng chừng chỉ có "siêu nhân" mới làm được. Nhưng với Exoskeleton, đó là chuyện nhỏ. Hơn nữa, bộ giáp này còn được coi là một trong những thiết bị hàng đầu trong lĩnh vực quân sự và xây dựng trong tương lai. Thiết bị này đã xuất hiện trên rất nhiều các sản phẩm giải trí từ phim ảnh (Elysium, Edge of Tomorrow...) cho đến các tựa game đình đám (Call of Duty Advance Warfare, STALKER, Metal Gear...).

Một trong những mục đích ban đầu của việc thiết kế Exoskeleton là giúp con người có thể đủ sức di chuyển những vật có khối lượng lớn (khoảng 80-100kg trở lên). Con người sau khi mặc những bộ giáp này sẽ sở hữu sức mạnh của 2 - 5 lần người bình thường nhờ sử dụng các van thủy lực.

Claire Tomas vượt qua vạch đích tại cuộc đua Marathon London trong bộ đồ trợ lực ReWalk. (Nguồn: The Guardian)

Không chỉ tăng cường sức mạnh cho đôi tay của con người, Exoskeleton còn phá vỡ giới hạn mà những gì đôi chân của chúng ta làm được. Người bình thường sẽ chạy bộ với tốc độ bao nhiêu? 12km/h là mức trung bình và với sự xuất hiện của những "khung xương" kiểu mới, con số này có thể lên đến 30-35 km/h.

Với những đặc điểm đó, Exoskeleton đã được áp dụng vào y học để giúp đỡ người tàn tật, các bệnh nhân không thể tự đi lại bình thường được bằng chính đôi chân của mình. Cho tới nay, đã có nhiều công ty bảo hiểm y tế tư nhân và ít nhất ba nhà cung cấp dịch vụ y tế công tại các quốc gia phát triển đã đồng ý chi trả cho các thiết bị Exoskeleton có chi phí ngất trời này.

Theo các công ty phát triển Exoskeleton dành riêng cho y học, bộ giáp này sẽ sớm có mặt trên thị trường như một thiết bị y tế bình thường, được sử dụng cho quá trình phục hồi chức năng cho bệnh nhân bị đột quỵ hay trở thành thiết bị hỗ trợ việc đi lại cho những bệnh nhân bại liệt.

Thắp sáng hy vọng

Trong năm 2018, Đức đã đưa ra một quyết định mang tính bước ngoặt, trở thành quốc gia đi đầu trong việc hỗ trợ bệnh nhân tàn tật khi đưa ra chính sách cho phép bệnh nhân được tiếp cận với những bộ đồ Exoskeleton có mức giá hàng chục nghìn bảng Anh mà không phải trả một đồng nào. Mọi chi phí sẽ do các công ty bảo hiểm y tế đáp ứng.

Bộ đồ ReWalk do Israel sản xuất cũng được Italy bổ sung vào danh sách những thiết bị mà một số cơ quan bảo hiểm nhà nước phải hỗ trợ bệnh nhân. Tại Mỹ, Bộ Cựu chiến binh cũng đã thay đổi chính sách để trang bị các thiết bị dạng Exoskeleton tại các phòng khám và phục hồi chức năng tư nhân cho các cựu chiến binh bị chấn thương cột sống.

Theo ReWalk, xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng vào năm 2019, khi các quốc gia khác cũng đang thảo luận về việc có nên đưa các thiết bị này vào danh sách được bảo hiểm hỗ trợ hay không.

Larry Jasinski, Giám đốc điều hành ReWalk cho biết, chính phủ các nước như Hà Lan, Pháp,

New Zealand và Australia đang tiến hành cân nhắc thay đổi chính sách để có thể đưa những thiết bị này vào danh sách hỗ trợ bảo hiểm y tế.

Indego, một nhà sản xuất Exoskeleton khác tại Mỹ nói rằng, tập đoàn Bảo hiểm RSA ở Anh đã xem xét việc cung cấp Exoskeleton và đánh giá độ khả thi của bộ giáp này trong việc giảm tổng chi phí khi phục hồi thành công.

Trong khi đó, đối với hầu hết các nhà sản xuất thiết bị, chi phí để sản xuất bộ giáp Exoskeleton khá đắt đỏ. Tuy nhiên, họ vẫn hy vọng các công ty bảo hiểm sẽ dần dần chấp nhận khoản chi phí đó giống như việc chi trả cho các ca cấy ghép hông kim loại hoặc máy tạo nhịp tim.

Hiểu được khó khăn đó, ReWalk đang nghiên cứu và thiết kế nhằm tinh giản Exoskeleton, giảm thiểu chi phí và giúp bộ giáp này có thể tiếp cận được nhiều người hơn. Không giống như những bộ khung bằng kim loại cứng cáp, chắc chắn, bộ Exoskeleton mới sẽ được làm bằng vải và động cơ nhỏ với dây cáp để có thể duy trì được sự đơn giản và tính cơ động cao.

Ông Jasinki cho biết: “Những người bị đột quỵ, đa xơ cứng hoặc mắc bệnh Parkinson, họ có thể hoàn toàn đứng vững khi sử dụng ReStore. Tuy vậy, họ vẫn cần sự hỗ trợ để có thể tự đi bộ được. Kích thước và trọng lượng của ReStore chỉ khoảng 1/7 của ReWalk, đồng thời chi phí chế tạo cũng chỉ bằng 1/7 mà thôi.”

(theo The Guardian)