Facebook có mục tiêu dùng ý nghĩ của con người để điều khiển máy tính thay vì việc bấm chuột hay ấn bàn phím. (Nguồn: CTRL-labs) |
Theo Phó Chủ tịch Facebook phụ trách công nghệ thực tế ảo Andrew Bosworth, với hợp đồng này, CTRL-labs - có trụ sở tại New York - sẽ trở thành một phần của Facebook Reality Labs, với một mục tiêu chung là hoàn thiện công nghệ và đưa vào ứng dụng.
Đăng tải trên tài khoản Facebook thông báo về thương vụ, Phó Chủ tịch Bosworth cho biết, Facebook nhận thấy có những cách thức tự nhiên giúp con người tương tác với các thiết bị và công nghệ bằng trực giác.
Ông Bosworth giải thích rằng, thông thường cổ tay (wristband) giải mã các xung điện điều khiển các cơ tay và ra lệnh di chuyển bàn tay theo những cách nhất định để thực hiện các hoạt động như nhấp chuột hay ấn bàn phím.
Tuy nhiên, với công nghệ mới, wristband sẽ chuyển những xung điện này thành các tín hiệu để một thiết bị có thể tiếp nhận, từ đó dùng ý nghĩ của con người để điều khiển máy tính thay vì việc bấm chuột hay ấn bàn phím.
Như vậy công nghệ mới cho phép máy tính và thiết bị nắm bắt được ý định của bạn, nhờ đó bạn có thể chia sẻ một bức ảnh với bạn bè bằng những động tác "vô hình" hay đơn giản chỉ là bằng ý định.
Facebook tin tưởng những công nghệ này có tiềm năng mở ra những khả năng sáng tạo mới, làm mới những phát minh của thế kỷ 19 để đưa vào sử dụng trong thế kỷ 21. Facbeook không tiết lộ các điều khoản tài chính của thỏa thuận mua CTRL- labs, nhưng một số phương tiện truyền thông cho rằng, Facebook đã chi hơn 500 triệu USD cho thương vụ này.
Thương vụ trên là một phần trong những nỗ lực của Facebook nhằm giành thế tiên phong trong phát triển công nghệ thực tế ảo. Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg từng báo hiệu công nghệ thực tế ảo sẽ là nền tảng máy tính chính trong tương lai sau khi ông mua lại công ty khởi nghiệp thiết bị thực tế ảo Oculus với thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD hồi đầu năm 2014.
Hồi đầu năm 2017, Facebook công bố các dự án với mục tiêu cho phép người dùng sử dụng suy nghĩ để viết ra các thông điệp hay dùng da để "nghe" từ. Những dự án này được một nhóm gồm các nhà khoa học, kỹ sư và nhà phát triển hệ thống cùng thực hiện với mục tiêu tạo ra một hệ thống có thể gõ được 100 từ/phút chuyển tải trực tiếp từ bộ não của con người ra màn hình máy tính.
Công nghệ tích hợp não bộ và máy tính hiện nay đòi hỏi việc cấy ghép các điện cực, nhưng Facebook tham vọng sử dụng các cảm biến đeo trên người để kích hoạt quá trình tích hợp thay vì cấy ghép trong não bộ. Những công nghệ này cho phép con người gửi tin nhắn văn bản hoặc gửi các thư điện tử cần thiết ngay từ trong suy nghĩ thay vì phải gián đoạn những việc mình đang làm để quay sang thao tác trên màn hình điện thoại thông minh hay máy tính.