Ông chủ mạng truyền thông xã hội số 1 thế giới hiện nay, Mark Zuckerberg, đã dành 12 năm qua để kết nối mọi người với nhau, bảo đảm rằng những người tham gia biết được con cái của bạn bè mình trông ra sao và các bạn bè thời phổ thông suy nghĩ thế nào về chính trị.
Tất nhiên mạng Facebook cũng đồng thời tác động lên truyền thông và chính trị qua việc cung cấp tin tức và ý kiến, gồm cả điều đúng và sai, cho hàng tỷ người trên thế giới.
Giờ đây Zuckerberg, người sáng lập đồng thời là Tổng Giám đốc điều hành của Facebook, thừa nhận rằng nếu chỉ kết nối con người với nhau thôi là không đủ.
Zuckerberg trong phần trả lời phỏng vấn CNN về sứ mệnh mới của Facebook. (Nguồn: CNN) |
Zuckerberg nói với đài CNN: “Chúng tôi thường cảm nhận rằng nếu chỉ làm ngần ấy công việc thôi thì cũng đã khiến nhiều thứ trên thế giới này tốt hơn nhiều rồi. Nhưng nay chúng tôi nhận thấy là mình cần làm nhiều hơn nữa. Đành rằng việc tạo cơ hội cho người khác cất lên tiếng nói, tạo ra sự đa dạng ý kiến là điều quan trọng nhưng trên tất thảy, anh cũng cần phải xây dựng nền tảng chung để tất cả chúng ta cùng tiến bước”.
Thực tế thì hiện nay công ty Facebook đã có tuyên bố sứ mệnh mới: “Hãy tạo điều kiện để người dân xây dựng cộng đồng và mang thế giới xích lại gần nhau hơn”.
Đây là lần đầu tiên công ty mạng toàn cầu này nhìn lại toàn bộ sứ mệnh của mình, mà trước kia chỉ là “mang đến cho con người quyền được sẻ chia và làm cho thế giới này cởi mở hơn, kết nối tốt hơn”.
Vũ khí "Group"
Zuckerberg tin rằng mình có công cụ cần thiết để đạt được điều này. Đó là dựa vào các Facebook Group (Nhóm trên mạng Facebook), hiện đang được một tỷ người sử dụng.
Trao đổi trên chuyên mục Công nghệ của đài CNN ở Chicago mới đây, CEO của Facebook khẳng định: “Nhiều điều mà chúng tôi làm là để tạo ra tranh luận có tính dân sự hơn, hiệu quả hơn về những vấn đề lớn hơn nữa”.
Cuộc phỏng vấn trên là cuộc phỏng vấn sâu đầu tiên của Zuckerberg trên truyền hình kể từ năm 2012.
Facebook đã cho ra mắt các đặc điểm mới của Group tại buổi khởi động “Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng” đầu tiên ở Chicago. Ba trăm quản trị viên (admin) của các Facebook Group từ khắp nơi trên nước Mỹ dự sự kiện kéo dài 2 ngày để lắng nghe các bài phát biểu của Zuckerberg và các giám đốc khác, đồng thời dự các hội thảo nhóm về các chủ đề như là giải quyết xung đột.
Các quản trị viên đại diện cho nhiều nhóm nở rộ trên Facebook, bao gồm nhóm các bà mẹ Mormon hỗ trợ con bị đồng tính, nhóm những người bị các bệnh lạ, và nhóm hỗ trợ sức khỏe tâm thần dành cho các bác sĩ thú y, những người có tỷ lệ tự sát cao bất ngờ.
Zuckerberg nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đồng. Anh đã đi khắp nước Mỹ để gặp gỡ người dân ở tất cả các tiểu bang.
Trong phát biểu mở đầu tại Đại học Havard, Zuckerberg đề cập tới các chủ đề nóng bỏng như nhập cư và bất bình đẳng.
Dù các sự kiện này mang sắc thái chính trị, Zuckerberg tuyên bố rằng anh không có ý định ra tranh cử chính trị. Anh chỉ muốn tạo tác động thông qua mạng xã hội khổng lồ của mình cùng gần 2 tỷ người sử dụng.
Zuckerberg có xu hướng diễn đạt những điều Facebook làm theo hướng đem lại lợi ích cho cộng đồng, chứ không phải là các nhà đầu tư hay lợi nhuận của công ty. Theo anh, công ty Facebook -với giá trị thị trường ở mức khoảng 440 tỷ USD, có trách nhiệm sử dụng nguồn lực lớn của mình để thực hiện những điều tích cực.
“Do đó, cần phải nắm quyền kiểm soát công ty”, anh nói. (Zuckerberg duy trì quyền bỏ phiếu đa số tại Facebook).
Facebook có hơn 1,9 tỷ người dùng hàng tháng. Quý vừa rồi, hãng này có doanh thu 8 tỷ USD, đa phần là từ quảng cáo. Nhưng hãng này cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như tình trạng lan tràn “tin giả” hay việc truyền hình trực tiếp các vụ giết người.
Cổ vũ việc thành lập các Group “ý nghĩa”
Khi Facebook giới thiệu Group vào năm 2010, thì đây là công cụ cho việc chia sẻ các cập nhật với những người thân hay quen biết... Nhưng giờ đây các nhóm này có thể dành cho mọi mối quan tâm có thể tưởng tượng được, với số lượng thành viên từ vài người cho đến hàng trăm ngàn. Bất cứ ai cũng có thể mở một Group, nhóm đó có thể là công khai, kín hay ẩn. Một quản trị viên có thể kiểm soát nội dung và thành viên gia nhập.
Zuckerberg cho rằng việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như là biến đổi khí hậu, bệnh dịch hay khủng bố cần được tiếp cận từ dưới lên. Một Facebook Group có thể không ngăn chặn được tình trạng ấm lên toàn cầu nhưng truyền thông xã hội có thể tác động tích cực lên các nhà hoạch định chính sách.
Đơn cử như một Facebook Group ở Miami (Mỹ) kêu gọi “Làm sạch Bãi biển Miami” đã phát triển từ chỗ điều phối việc dọn dẹp rác của 10 người lên thành một lực lượng chính trị với hơn 4.500 thành viên. Quản trị viên của Group là Michael DeFilippi đã kết nạp các thành viên là thị trưởng và quản lý thành phố, qua đó đã kêu gọi thành công cho việc ban hành luật mới có lợi cho môi trường.
Hiện chỉ có 100 triệu người sử dụng Facebook là tham gia vào các nhóm mà theo lời Zuckerberg là “có ý nghĩa”. Vì vậy, Facebook đang sử dụng trí tuệ nhân tạo để khuyến khích phát triển các nhóm như thế này. Facebook đang bổ sung công cụ để các trưởng nhóm có thể rà soát thành viên mới, chặn người xấu, lập lịch trình cho các đăng tải và kết nối các nhóm với nhau.
Facebook cũng đã bắt đầu sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhận diện những người sử dụng hay các nhóm nào cố gắng tham gia vào việc chiêu mộ khủng bố.