📞

Facebook thừa nhận truyền thông xã hội có thể đe dọa nền dân chủ

15:06 | 24/01/2018
Facebook cuối cùng đã thừa nhận rằng truyền thông xã hội có thể gây ảnh hưởng tiêu cực cho nền dân chủ.

Trong loạt bài viết blog đăng ngày 22/1, các nhà quản lý của Facebook cho hay, mạng xã hội này "quá chậm" trong việc xác định những ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc bầu cử năm 2016 ở Mỹ từ các thông tin được cho là chịu sự can thiệp của Nga cũng như những “bình luận độc hại" và “gây hậu quả nguy hiểm" của tin giả mạo.

Và giờ đây, Facebook cho biết họ đang lấy lại khoảng thời gian đã mất để chiến đấu chống lại những mối đe dọa "gặm nhấm" nền dân chủ.

Mạng xã hội lớn nhất thế giới này sẽ đưa ra những thay đổi quan trọng đối với News Feed, với kế hoạch ưu tiên nội dung chia sẻ trạng thái của bạn bè và gia đình, giảm nổi bật các bài đăng chủ đề kinh doanh, thương hiệu và tin tức để đảm bảo "tin tức mọi người nhìn thấy là chất lượng cao".

Facebook đã thừa nhận truyền thông xã hội có thể gây ảnh hưởng tiêu cực cho nền dân chủ. (Nguồn: Global News)

Trong 3 bài viết trên blog, các nhà quản lý Facebook đã cảnh báo rằng mạng xã hội này sẽ không đảm bảo rằng phương tiện truyền thông xã hội sẽ giữ vai trò trung lập tốt với nền dân chủ.

Katie Harbath, Giám đốc Tiếp thị và Chính trị Toàn cầu của Facebook nói rằng "chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ vừa qua đã làm thay đổi điều đó” đồng thời cho biết, Facebook cần có các động thái nhanh hơn để xác định các tin giả đang gia tăng nhanh chóng hiện nay.

Việc chia sẻ các tin tức với tiêu đề sai lệch hoặc gây nhầm lẫn trên truyền thông xã hội đã trở thành vấn đề toàn cầu, sau khi xuất hiện cáo buộc rằng Nga cố gắng gây ảnh hưởng tới các phiếu bầu ở Mỹ, Anh và Pháp. Moscow đã bác bỏ những cáo buộc này.

Tuy nhiên, các nhà quản lý của Facebook cho rằng vấn đề bây giờ thậm chí còn vượt ra ngoài các cáo buộc nhằm vào Nga.

Giám đốc sản phẩm của Facebook Samidh Chakrabarti viết nếu không có minh bạch, sẽ rất khó để buộc các chính khách chịu trách nhiệm về những lời phát ngôn của họ. Nền dân chủ sẽ phải gánh hậu quả vì truyền thông xã hội tạo ra một bức tranh không đầy đủ về những gì các nhà lãnh đạo đã hứa hẹn.

"Đây là một vấn đề thậm chí còn nguy hiểm hơn là sự can thiệp từ bên ngoài", ông Chakrabarti nhấn mạnh và bày tỏ hy vọng rằng bằng cách thiết lập hệ thống hiển thị nội dung mới, minh bạch hơn, Facebook có thể giải quyết cả hai thách thức trên cùng một lúc.

Theo các nhà quản lý của Facebook, họ đã có các chuyến công du khắp châu Âu trong tuần này để giải quyết những vấn đề liên quan đến phản ứng chậm chạp với việc lạm dụng mạng hội này để truyền bá phát ngôn thù hận và những chiến dịch chính trị chịu ảnh hưởng từ nước ngoài.

Các nhà lập pháp Mỹ đã tổ chức các buổi điều trần về vai trò của truyền thông xã hội trong các cuộc bầu cử và trong tháng này, Facebook đã mở rộng cuộc điều tra về vai trò của mạng xã hội với cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 của Anh về việc rời khỏi EU.

(theo Vietnamplus.vn)