Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành đối thoại với các doanh nghiệp, địa phương. (Ảnh: Nhật Bắc) |
Đó là lời mở đầu của Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM) Nguyễn Văn Nên trong phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế TP. HCM (HEF) lần thứ năm với chủ đề Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP. HCM.
Đối thoại Hữu nghị TP. HCM (FD) và HEF năm nay diễn ra từ 23-24/9 với nhiều hoạt động, trong đó nổi bật là FD, lễ công bố biểu tượng hữu nghị quốc tế TP. HCM, phiên toàn thể HEF, khánh thành Trung tâm Công nghệ cách mạng công nghiệp 4.0 và phiên đối thoại chính sách giữa Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, Chủ tịch UBND TP. HCM, lãnh đạo các tỉnh thành với các khách mời, các tập đoàn trong nước và quốc tế. Các sự kiện thu hút sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành cùng 35 đoàn lãnh đạo đến từ các địa phương quốc tế có quan hệ hợp tác hữu nghị với Thành phố.
Nhu cầu chiến lược, tất yếu
Phát biểu tại phiên Đối thoại chính sách, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ tự hào về TP. HCM khi Diễn đàn tổ chức lần thứ năm, quy mô ngày càng lớn hơn, đối tượng nhiều hơn, vấn đề sâu sắc hơn, nhận được sự quan tâm của bạn bè, đối tác quốc tế.
Thủ tướng đánh giá, chủ đề của Diễn đàn về chuyển đổi công nghiệp rất rộng, mang tính thời sự quốc tế, đồng thời là tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của TP. HCM. Do đó, Diễn đàn rất có ý nghĩa với Thành phố, với Việt Nam và với cả bạn bè, đối tác quốc tế. “Tôi tin chắc sau Diễn đàn, mỗi người ra về đều có thêm “phần quà” là kiến thức mà Diễn đàn mang lại, ngoài tình cảm nồng hậu, ấm cúng của TP. HCM”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, với vai trò của một trung tâm kinh tế tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ năng động, sáng tạo, đã có nhiều đóng góp vào thành tựu chung của cả nước, TP. HCM đứng trước yêu cầu cấp bách của tiến trình nâng cao chất lượng, giá trị sống của người dân, xây dựng Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Trong năm năm gần đây, kinh tế Thành phố tiếp tục phát triển ổn định, giữ vai trò là trung tâm nhiều mặt của khu vực và cả nước; là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước. Hằng năm, Thành phố đóng góp 20% GRDP, 25% nguồn thu ngân sách và của cả nước. Trong sự phát triển kinh tế của Thành phố, ngành công nghiệp có vị trí quan trọng và chiếm tỷ trọng đóng góp cao.
Tham luận tại phiên toàn thể của HEF, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM cho biết: TP. HCM triển khai chuyển đổi công nghiệp từ khá sớm, từ năm 2000 đã có sự dịch chuyển sản xuất công nghiệp, di dời các khu công nghiệp ô nhiễm và sử dụng nhiều lao động. Nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghiệp thông minh, có khu công nghiệp công nghệ cao. Đến 2023, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thành phố có tỷ lệ công nghiệp kinh tế số đóng góp gần 15% trong GDP, giá trị sản xuất khu công nghệ cao tích lũy đạt 150 tỷ USD.
Đánh giá tình hình của TP. HCM hiện nay, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi cho rằng, Thành phố có năm lợi thế và cơ hội nổi trội để thực hiện quá trình chuyển đổi công nghiệp. Đó là: Thu hút được nhiều nhà đầu tư vào các lĩnh vực như công nghệ, năng lượng tái tạo và sản xuất thông minh; là trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước và thuộc tốp đầu cả nước về chuyển đổi số; là trung tâm thương mại và tài chính của cả nước; là nơi tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao; và có ưu thế lớn của một địa phương đang được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển theo Nghị quyết 98 năm 2023 của Quốc hội.
Tuy vậy, Thành phố đứng trước những thách thức như phát triển thiếu bền vững; gia công, lắp ráp còn chiếm tỷ trọng cao; giá trị gia tăng thấp; có công nghệ sau hơn 30 năm đầu tư phát triển nay đã lạc hậu; sử dụng nhiều tài nguyên; thâm dụng lao động; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp không còn phù hợp, một số khu công nghiệp hiện nay nằm trong vùng lõi.
Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM mở ra cơ hội lớn trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội nói chung và vấn đề phát triển, chuyển đổi công nghiệp nói riêng. Với yêu cầu thực tế, cùng với các giải pháp cho phát triển bền vững, Thành phố chọn chuyển đổi xanh, toàn diện là nhiệm vụ trọng tâm, chuyển đổi công nghiệp là động lực, chuyển đổi số là đột phá và hợp tác phát triển là nhiệm vụ quan trọng, tất yếu, cấp bách.
Các đại biểu tham dự Đối thoại hữu nghị TP. Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm. |
Nắm bắt xu hướng
Tại phiên khai mạc FD, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng khẳng định, Bộ Ngoại giao rất trân trọng và đánh giá cao sáng kiến của TP. HCM duy trì tổ chức Đối thoại hết sức ý nghĩa này, thể hiện sự tích cực, chủ động, sáng tạo của Thành phố trong triển khai công tác đối ngoại. Theo Thứ trưởng, chủ đề này tạo cơ hội quý báu để Thành phố và các thành phố kết nghĩa cùng thảo luận và tăng cường hợp tác, vì sự phát triển của mỗi địa phương, mỗi quốc gia và cộng đồng thế giới trong nhiều thập niên tới.
Ông Phạm Bình An nhận định, thời gian qua, TP. HCM đã triển khai nhiều chính sách chuyển đổi công năng các khu công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh với 14 giải pháp. TP. HCM đã triển khai chiến lược phát triển vi mạch đến năm 2030…
Theo Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên, trước mắt, Thành phố sẽ tập trung vượt qua ba thử thách lớn: Nhanh chóng cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông, công nghệ, môi trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách thể chế và thủ tục hành chính; có những cơ chế, chính sách vượt trội, đột phá trong huy động các nguồn lực đầu tư phát triển.
Công nghiệp Thành phố phải phát triển theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chíp điện tử, vi mạch, bán dẫn; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp xanh gắn chuyển đổi số; phát triển hệ thống các dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp như logistics, dịch vụ số (gồm thông tin và truyền thông), dịch vụ tài chính… Đặc biệt, phải hình thành các ngành mới như công nghiệp năng lượng mới, công nghiệp dược, công nghiệp văn hóa, điện ảnh…
Ông Phan Văn Mãi cũng cho rằng, trước áp lực kép từ việc duy trì tăng trưởng kinh tế, trong khi đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội ngày càng khắt khe, Thành phố buộc phải đổi mới và thích ứng.
Chủ tịch UBND TP. HCM nêu bảy ưu tiên hành động của Thành phố để đạt mục tiêu chuyển đổi công nghiệp thành công. Đó là: Tập trung vào các ngành có tiềm năng và tầm quan trọng cao; khuyến khích áp dụng công nghệ mới trong các ngành công nghiệp trọng điểm; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh; tăng cường hợp tác quốc tế; phát triển Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4; và thúc đẩy truyền thông.
Tại phiên Đối thoại chính sách, phát biểu chỉ đạo, kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh TP. HCM tổ chức thành công Diễn đàn lần thứ năm với khoảng 1.500 đại biểu từ nhiều quốc gia, nhiều ngành, diễn đàn lần sau tốt hơn, toàn diện hơn, nhiều người tham gia hơn lần trước. Trong thành tựu chung của cả nước đạt được về chuyển đổi số, Thủ tướng đánh giá Thành phố luôn đi đầu trong đổi mới, luôn là trung tâm tăng trưởng, tiên phong trên nhiều lĩnh vực, trong đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân.
Với cách tiếp cận linh hoạt nhưng quyết liệt, với một chiến lược bài bản có trọng tâm, một hành lang pháp lý thông thoáng dựa trên cơ chế chính sách đặc thù và hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể và quan trọng nhất là quyết tâm lãnh đạo Thành phố, sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Thành phố mang tên Bác nhất định sẽ thực thi thành công quá trình chuyển đổi công nghiệp quan trọng này.
Bên lề các sự kiện, nhiều đại biểu quốc tế tham gia trả lời phỏng vấn của Báo Thế giới và Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lào Nisith Keopanya cho biết, TP. HCM đang phát triển rất nhanh và Lào cần học hỏi thêm kinh nghiệm từ Việt Nam, đặc biệt là từ TP. HCM. Phái đoàn Lào nhận thấy Thành phố đã phát triển và áp dụng sâu rộng công nghệ cao trong nông nghiệp. Chẳng hạn như sử dụng máy bay không người lái phun phân bón ở các khu vực xa xôi, nơi người dân khó tiếp cận. Đây là loại hình công nghệ cao cần được sử dụng thường xuyên khi chúng ta đang ở thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Giám đốc phụ trách về ngoại thương, Văn phòng thị trưởng San Francisco (Mỹ), ông Mark Chandler, bày tỏ niềm vui khi trở lại Việt Nam và thể hiện sự bất ngờ trước sự thay đổi nhanh chóng của TP. HCM. Ông mong muốn khoảng thời gian mà khách mời lưu lại Thành phố sẽ để lại những kỷ niệm đáng nhớ về một đô thị văn minh, hiện đại và nghĩa tình. |