📞

Fed quyết định duy trì lãi suất gần 0%, nêu lý do không muốn tăng lãi suất cho đến năm 2023

Chu Văn 08:25 | 18/03/2021
TGVN. Trong cuộc họp kéo dài 2 ngày của Fed, hầu hết các quan chức của cơ quan này cho biết họ không muốn tăng lãi suất cho đến năm 2023.
Trụ sở Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở thủ đô Washington D.C. (Nguồn: Washington Post)

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tiếp tục quyết định mức lãi suất chủ chốt gần bằng 0, đồng thời dự báo sẽ không tăng lãi suất cho đến năm 2023, cũng như cam kết duy trì biện pháp mua trái phiếu.

Trong cuộc họp kéo dài hai ngày (16-17/3) của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed đã bỏ phiếu để duy trì ổn định lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức gần 0%, đồng thời tiếp tục chương trình mua tài sản, trong đó Fed sẽ mua ít nhất 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng.

Với dự báo khả quan, Fed dự kiến kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay, mức cao nhất kể từ năm 1984 và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,5% vào cuối năm, từ mức 6,2% hiện nay.

FOMC cũng tái khẳng định rằng họ sẽ đặt mục tiêu đạt lạm phát ở mức vừa phải trên 2% trong một thời gian và kỳ vọng lạm phát dài hạn vẫn được duy trì ở mức 2%. Các quan chức Fed tin rằng, lạm phát sẽ lên tới 2,1%, cao hơn mức lạm phát mục tiêu 2% của họ vào năm 2023.

Fed cho biết trong một tuyên bố rằng: “Các chỉ số về hoạt động kinh tế và việc làm đã tăng lên trong thời gian gần đây, mặc dù các ngành bị ảnh hưởng tiêu cực nhất bởi đại dịch Covid-19 vẫn còn yếu".

Nhà phân tích Edward Moya tại OANDA nhận định, Fed cần xem xét kết quả về tăng trưởng kinh tế, lạm phát và việc làm trước khi chuyển sang tăng lãi suất.

Sau tuyên bố nói trên của Fed, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã giảm xuống còn 1,6603%, sau khi trước đó trong phiên này đã có thời điểm chạm mức 1,689%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2020.

Tại Phố Wall, các chỉ số chính đã có những biến động trái chiều sau khi tăng điểm sau tuyên bố của Fed. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 140,82 điểm, hay 0,43%, lên 32.966,77 điểm, trong khi hai chỉ số tổng hợp S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq thu hẹp đà giảm trước đó, với các mức giảm lần lượt là 0,02% và 0,25% xuống còn 3.961,81 điểm và 13.438,42 điểm.

Chỉ số STOXX 600 của châu Âu để mất 0,45% và chỉ số chứng khoán MSCI toàn cầu cũng giảm 0,06%, sau khi giảm mạnh hơn trước đó trong cùng phiên.

Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đồng USD - đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với các đồng tiền chủ chốt khác - giảm 0,33%, trong khi đồng Euro tăng 0,52% lên mức 1 Euro đổi 1,1962 USD.

USD giảm khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn với những người nắm giữ đồng tiền khác. Trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn ở mức cao, đặt ra thách thức đối với vị thế của vàng, vốn được coi là công cụ hữu hiệu để chống lạm phát. Trong phiên giao dịch 17/3, giá vàng thế giới tăng hơn 1% sau khi Fed tái khẳng định quan điểm về chính sách tiền tệ nới lỏng, nhân tố làm suy yếu đồng USD.